Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống mua bán người.
Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân mua bán người (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Điều 19 Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại đối với nạn nhân mua bán người được quy định như sau:
Đối tượng hỗ trợ gồm những trường hợp sau đây:
Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam;
Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật phòng, chống mua bán người;
Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Chế độ hỗ trợ gồm:
Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thời gian hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước không quá 60 (sáu mươi) ngày;
Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Nạn nhân trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân được cấp 02 (hai) bộ quần áo dài, 02 (hai) bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng, băng vệ sinh (đối với nạn nhân là nữ);
Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi trên đường; hỗ trợ tiền tàu xe theo giá phương tiện công cộng phổ thông.
Lưu ý: Nạn nhân là người chưa thành niên thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện) hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tự mình hoặc phối hợp với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội đưa nạn nhân về nơi người thân thích cư trú.
Trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ:
Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu như hỗ trợ tiền ăn, quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhântheo quy định gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển (đơn vị tiếp nhận, giải cứu nạn nhân); cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ sở bảo trợ xã hội. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển (đơn vị tiếp nhận, giải cứu nạn nhân) không có điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân, sau khi tiếp nhận, giải cứu và làm các thủ tục xác định nạn nhân, cơ quan tiếp nhận, giải cứu chuyển nạn nhân đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.
Cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn khi nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường gồm: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện; cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp nạn nhân là người chưa thành niên thì cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân chịu trách nhiệm cử người giám hộ trong suốt quá trình; nạn nhân ở cơ sở, khi làm các thủ tục pháp lý để trở về nơi cư trú.
Chi tiết xem tại Nghị định 09/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/04/2013.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |