Nạn bạo lực gia đình ngày càng trở nên phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Bạo lực gia đình không những để lại những hậu quả về thể chất, tinh thần cho cá nhân bị bạo hành, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bạo lực gia đình được hiểu là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.
Do đó, trong trường hợp người bị bạo lực chứng minh được các tổn hại nêu trên là hệ quả trực tiếp từ hành vi bạo lực, thì có thể thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hiện nay, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã có những quy định cụ thể sau:
Tại Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:
“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”
Bên cạnh đó, theo Mục 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
Tại Điều 49 quy định về Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Tại Điều 50 Nghị định trên quy định về Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Tại Điều 51 về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.”
Ngoài những chế tài hành chính nêu trên,nếu hành vi bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm thì còn có thể bị còn có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104 Bộ luật Hình sự); tội hành hạ người khác (Điều 110); tội bức tử (Điều 100)… Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.
Nguồn: baophapluat.vn
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |