UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND. ngày 06/3/2024 về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho gần 14.000 người.
Hà Nội tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho gần 14.000 người (Hình từ Internet)
Ngày 06/3/2024, UBND TP Hà nội ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn Thành phố năm 2024 như sau
(1) Mục tiêu đào tạo nghề
- Tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho 13.990 người, trong đó: Nhóm nghề nông nghiệp 5.740 người; nhóm nghề phi nông nghiệp 8.250 người; cụ thể theo các đối tượng:
+ Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg; Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg; người chấp hành xong hình phạt tù theo Nghị định 49/2020/NĐ-CP; lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP, trên địa bàn Thành phố: 12.905 người.
+ Đào tạo cho Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH: 1.085 người.
- Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 54,0%.
(2) Đối tượng, điều kiện đào tạo nghề
- Đối tượng học nghề theo quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg:
+ Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
+ Điều kiện: Là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề.
- Đối tượng học nghề theo quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg.
+ Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1, Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi (sau đây gọi tắt là người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp).
+ Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở (sau đây gọi tắt là người lao động bị thu hồi đất kinh doanh).
+ Điều kiện: Người lao động bị thu hồi đất; Có nhu cầu đào tạo nghề và trong độ tuổi lao động (theo quy định của Bộ luật Lao động) được hỗ trợ đào tạo nghề.
- Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 80/2021/NĐ-CP:
+ Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ Điều kiện: Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện: Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục trước khi tham gia khóa đào tạo.
- Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH.
+ Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Thanh niên).
+ Điều kiện: Thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
++ Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
++ Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Đối tượng học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 49/2020/NĐ-CP.
+ Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù).
+ Điều kiện: Người chấp hành xong hình phạt tù thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
(3) Mức hỗ trợ đào tạo nghề: Theo đơn giá dịch vụ đào tạo đối với trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội Thành phố; Mức hỗ trợ cụ thể từng đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(4) Ngành nghề, quy mô, chương trình đào tạo nghề
- Ngành nghề đào tạo: Các nghề đã được ban hành đơn giá dịch vụ đào tạo trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Quy mô đào tạo: Tối đa 35 học viên/lớp.
- Chương trình đào tạo: Do các cơ sở đào tạo nghề xây dựng, ban hành.
(5) Phương thức thực hiện đào tạo nghề: Thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định tại Quyết định 31/2020/QĐ-UBND về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố Hà Nội.
(6) Cơ sở thực hiện đào tạo nghề
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.
- Không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
Trần Trọng Tín
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |