Hà Nội được bổ sung cơ chế tài chính ngân sách đặc thù

Ngày 19/5, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, so với Nghị định 123/2004/NĐ-CPNghị định 112/2015/NĐ-CP hiện hành thì Nghị định 63/2017/NĐ-CP được kế thừa và bổ sung một số nội dung quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ từ NSTW, đảm bảo cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, an ninh tài chính quốc gia và từng bước phù hợp với khả năng NSTW.

Theo đó, dự toán chi ngân sách của TP Hà Nội xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.W khác, được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, để việc vay nợ phù hợp khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật Ngân sách nhà nước quy định mức dư nợ vay của Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Việc quy định này nhằm để cho thành phố có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng lớn. Đồng thời, các khoản vay được tính trong bội chi NS của thành phố và do Quốc hội quyết định hàng năm, nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của NS thành phố.

Về bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTW so dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bổ sung quy định so với quy định hiện hành như sau: Không quy định ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng toàn bộ tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được Chính phủ giao, mà quy định thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá số tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và không cao hơn số tăng thu trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. Việc quy định này nhằm đảm bảo ngân sách Trung ương có nguồn để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố.

Về quy định huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP cơ bản kế thừa cơ chế hiện hành, bổ sung thêm quy định ngoài ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ ODA cho Thành phố, thì sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn ưu đãi khác kém ưu đãi hơn vốn ODA. Riêng đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố, Chính phủ vay nước ngoài về cho Thành phố vay lại hoặc cấp phát một phần theo quy định. Đồng thời, bổ sung thêm quy định cho Thành phố áp dụng hình thức đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công-tư.

Khác với cơ chế hiện hành của Thủ đô, Nghị định 63 sửa đổi, bổ sung về mức dư nợ các nguồn vốn huy động, tăng cường nguồn lực hỗ trợ từ NSTW cho lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, đảm bảo cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, an ninh tài chính quốc gia và từng bước phù hợp với khả năng NSTW.

Cụ thể, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP.Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của NSĐP, UBND thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ NSTW cho NS thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án.

Nguồn: Kiểm sát Online

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

325 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;