Giáo viên tinh giản biên chế được trợ cấp tiền học nghề, hưởng nguyên lương 6 tháng

Ngày 01/7/2020, Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, theo đó, quy định mới về tiêu chuẩn trình độ đào tạo mới sẽ được áp dụng. Những giáo viên chưa đạt chuẩn mới sẽ phải tham gia lộ trình nâng chuẩn cụ thể tùy vào từng địa phương, trường hợp không thực hiện nâng chuẩn có thể sẽ thuộc diện tinh giản biên chế.

tinh gian bien che, giao vien

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP, một trong những trường hợp tinh giản biên chế là chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Theo đó, khi thuộc diện tinh giản biên chế, giáo viên có thể thôi việc sau khi học nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Đây là chính sách áp dụng với những người thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP, đảm bảo đủ điều kiện:

  • Có tuổi đời dưới 45 tuổi;
  • Có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật;
  • Đang đảm nhiệm các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc.

Những người thuộc trường hợp trên sẽ được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới. Trong thời gian học nghề, tự tìm việc làm mới, người đó được hưởng các chế độ sau:

  • Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;
  • Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
  • Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
  • Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
  • Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.
  • Được  bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, đối với các trường hợp không thực hiện nâng chuẩn theo quy định mà tại đơn vị có thực hiện chính sách tinh giản biên chế thì giáo viên đó có thể được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, đồng thời, được hỗ trợ trong thời gian học nghề và chuyển sang công việc mới. 

Lan Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3260 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;