Giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong trường hợp nào?

Giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong trường hợp nào?
Nguyễn Trinh

Bên cạnh việc quy định các trường hợp đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, pháp luật cũng quy định trong một số trường hợp cụ thể, các cơ sở này còn có thể bị giải thể. Vậy đó là những trường hợp nào? Trình tự, thủ tục tiến hành giải thể ra sao?

 

1. Các trường hợp giải thể

Theo quy định tại Điều 21 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

  • Vi phạm các quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;
  • Không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sau thời hạn 36 tháng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp hoặc 24 tháng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực;
  • Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép giải thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó.

2. Hồ sơ giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Nghị định 143/2016/NĐ-CP, hồ sơ giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp là 01 bộ gồm văn bản đề nghị giải thể của cơ quan có thẩm quyền, trong đó nêu rõ lý do bị giải thể và kèm theo một trong các văn bản sau đây:

  • Kết luận thanh tra, kiểm tra đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp;
  • Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp;
  • Biên bản kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Hồ sơ giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp là: Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó nêu rõ lý do giải thể và phương án giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phương án giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

  • Phương án giải quyết tài sản;
  • Phương án bảo đảm quyền lợi của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục, thẩm quyền giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ nội dung Khoản 4 Điều 11 Nghị định 143/2016/NĐ-CP, thủ tục và thẩm quyền giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề thẩm định hồ sơ giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trình người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật giáo dục nghề nghiệp mà không có văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản hoặc của tổ chức, cá nhân, đại diện hợp pháp của những người góp vốn thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem xét, quyết định giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Quyết định giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải ghi rõ lý do giải thể, biện pháp bảo đảm quyền lợi của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định; phương án giải quyết tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phải được thông báo đến cơ quan liên quan biết để phối hợp thực hiện và được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì có quyền giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thời hạn gửi quyết định giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định giải thể, cho phép giải thể trường cao đẳng, Tổng cục Dạy nghề gửi quyết định về UBND cấp tỉnh, cơ quan chủ quản của trường cao đẳng để theo dõi, quản lý.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định giải thể trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, bộ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm gửi quyết định về Tổng cục Dạy nghề, UBND cấp tỉnh nơi trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp đặt trụ sở chính để theo dõi, quản lý.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định giải thể trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh và quyết định cho phép giải thể trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi quyết định về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.

Đây là nội dung tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 143/2016/NĐ-CP. 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1567 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;