Cho tôi hỏi xe mô tô cá nhân Việt Nam có được ra nước ngoài du lịch không? – Xuân Hưng (Đồng Tháp)
Giải quyết thủ tục cho mô tô cá nhân Việt Nam ra nước ngoài du lịch (Hình từ internet)
Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3431/TCHQ-GSQL ngày 18/8/2022 giải quyết thủ tục cho phương tiện vận tải cá nhân Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Theo quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Lào, Hiệp định vận tải Việt Nam - Campuchia, Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Việt Nam về vận tải đường bộ (Bản ghi nhớ CLV), thì chỉ quy định về việc cho phép phương tiện cá nhân là ô tô của các bên ký kết được tạm nhập - tái xuất và lưu hành trong nội địa của bên kia trong thời hạn 30 ngày (được phép gia hạn 10 ngày) với mục đích cá nhân, chưa có quy định cho phép đối với phương tiện cá nhân là xe mô tô.
- Đối với trường hợp phương tiện của nước ngoài là mô tô tạm nhập vào Việt Nam để tham gia giao thông:
Theo quy định tại Nghị định 152/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 57/2015/NĐ-CP quy định về phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch thì phương tiện cơ giới cá nhân là mô tô nước ngoài vào Việt Nam tham gia giao thông phải có Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải và cơ quan hải quan căn cứ Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải để làm thủ tục cho phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
- Đối với trường hợp phương tiện Việt Nam tạm xuất ra nước ngoài để du lịch:
Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan 2014 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thì hồ sơ hải quan đối với phương tiện vận tải (ô tô, mô tô, xe gắn máy) khi xuất cảnh gồm:
+ Tờ khai phương tiện vận tải tạm xuất - tái nhập;
+ Giấy phép liên vận hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền liên quan của Bộ Giao thông vận tải hoặc Tổng cục du lịch không cấp phép cho phương tiện là mô tô Việt Nam tạm xuất; vì vậy, cơ quan hải quan không có cơ sở pháp lý để làm thủ tục tạm xuất - tái nhập cho phương tiện là mô tô theo quy định của pháp luật hải quan.
Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành du lịch, trong xu thế hiện nay, Tổng cục Hải quan nhận thấy nhu cầu tạm xuất phương tiện cá nhân là xe mô tô sang lưu hành trong nội địa của nước ký kết hiệp định cũng tương tự như phương tiện cá nhân là ô tô.
Do đó, đề nghị đơn vị chủ trì của Bộ Giao thông vận tải khi đàm phán các Hiệp định vận tải đường bộ xem xét báo cáo đề xuất bổ sung việc thỏa thuận cho phép/chấp thuận xe mô tô của các bên ký kết được tạm xuất - tái nhập tham gia giao thông trong lãnh thổ của các bên ký kết vào nội dung các Nghị định thư sửa đổi của Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia hoặc Bản ghi nhớ CLV, cũng như nghiên cứu bổ sung các cặp cửa khẩu được phép xuất cảnh, nhập cảnh tại các Hiệp định vận tải để tạo điều kiện cho việc xuất cảnh, nhập cảnh theo nhu cầu hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp.
Xem chi tiết tại Công văn 3431/TCHQ-GSQL ngày 18/8/2022.
Diễm My
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |