Giải đáp những thắc mắc về nghĩa vụ quân sự năm 2018

Giải đáp những thắc mắc về nghĩa vụ quân sự năm 2018
Duy Thịnh

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định. Sau đây là tổng hợp những vấn đề cơ bản nhất liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

1. Độ tuổi nào phải tham gia nghĩa vụ quân sự?

Theo quy định tại Điều 12, Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 (Luật NVQS) thì độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự là:

  • Công dân nam từ 17 tuổi trở lên và công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành nghề chuyên môn phù hợp, các ngành nghề chuyên môn phù hợp đối với công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên được quy định tại Chương II Nghị định 14/2016/NĐ-CP;

  • Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến hết 25 tuổi.

  • Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã tạm hoãn nghĩa vụ quân sự thì độ tuổi gọi nhập ngũ kéo dài đến 27 tuổi

2. Một năm gọi nhập ngũ bao nhiêu lần?

Theo quy định tại Điều 33 Luật NVQS thì hằng năm sẽ tiến hành gọi công dân nhập ngũ một lần vào Tháng 02 hoặc Tháng 03; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai.

Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Tương ứng với đó, đợt khám nghĩa vụ quân sự trong năm sẽ bắt đầu từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 trong năm. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày.

3. Trường hợp nào được tạm hoãn gọi nhập ngũ?

Điều 41 Luật NVQS và Điều 5 Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

  • Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

  • Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận;

  • Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

  • Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

  • Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định;

  • Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

  • Đang học tập tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

4. Trường hợp nào được miễn gọi nhập ngũ?

Căn cứ Khoản 2 Điều 41 Luật NVQS và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 140/2015/TT-BQP thì các trường hợp công dân được miễn gọi nhập ngũ gồm:

Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

  • Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

  • Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

  • Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

  • Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

5. Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự diễn ra như thế nào?

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì hiện nay, việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có 2 vòng. Vòng khám đầu tiên được xem là vòng khám sơ tuyển, và nếu qua vòng 1 sẽ tiến hành khám ở vòng 2 chi tiết hơn. Cụ thể các bước khám như sau:

Vòng 1:

  • Vòng khám này thực hiện ở Trạm y tế cấp xã.

  • Nội dung khám chủ yếu là khám sơ qua bên ngoài nhằm phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, đồng thời khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

Vòng 2: Tại vòng này, các bác sĩ chuyên môn sẽ thực hiện khám kĩ hơn. Gồm các bước khám trong 9 phòng khám như sau: Phòng khám thể lực; Phòng đo mạch, Huyết áp; Phòng khám thị lực, Mắt; Phòng khám thính lực, Tai - Mũi - Họng; Phòng khám Răng - Hàm - Mặt; Phòng khám Nội và Tâm thần kinh; Phòng khám Ngoại khoa, Da liễu; Phòng xét nghiệm; Phòng kết luận.

Kết thúc vòng khám này, sẽ xác định được đối tượng nào sẽ lên đường nhập ngũ và đối tượng nào bị loại. Kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được phân loại cụ thể. Sau đó, những ai thuộc diện lên đường nhập ngũ, sẽ kiểm tra sức khỏe lại một lần nữa.

6. Trương hợp cận thị có phải tham gia nghĩa vụ quân sự?

Điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ.

Công dân được tuyển chọn và gọi nhập ngũ là những công dân có tiêu chuẩn sức khỏe thuộc loại 1, 2, 3.

7. Phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện ra sao?

Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:

  • Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

  • Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

  • Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

  • Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

  • Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

  • Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Công dân được tuyển chọn nhập ngũ là những công dân có tiêu chuẩn sức khỏe thuộc loại 1, 2, 3.

Nội dung nêu trên được quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

34598 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;