Xin hỏi là đối với nguyên liệu lắp ráp thiết bị y tế thì việc hoàn thuế giá trị gia tăng thuế xuất nhập khẩu được quy định thế nào? - Ngọc Hân (TPHCM)
Giải đáp hoàn thuế GTGT với nguyên liệu lắp ráp thiết bị y tế (Hình từ Internet)
Quyết định 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 về Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, giải đáp về việc hoàn thuế GTGT, ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu lắp ráp thiết bị y tế.
Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:
Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Tại Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi 2016 quy định về các trường hợp hoàn thuế như sau:
Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
+ Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn Điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có Điều kiện khi chưa đủ các Điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ Điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
+ Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Căn cứ quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết của hàng hóa, nguyên vật liệu và hoạt động sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% thì:
Không được hoàn thuế mà chuyển sang khấu trừ vào các kỳ tiếp theo (trừ trường hợp doanh nghiệp đó có dự án đầu tư mới, có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ, có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên).
Hiện nay, thực hiện Quyết định 2114/QĐ-TTg năm 2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW năm 2021 và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT, để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.
Theo đó, về chính sách hoàn thuế GTGT, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế GTGT hiện hành. Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế để nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT trong giai đoạn tới đây.
Về chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất thiết bị y tế trong nước:
Theo quy định của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng, trong đó có nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất thiết bị y tế, được xây dựng dựa trên nguyên tắc:
Đảm bảo phù hợp với cam kết cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);
Tuân thủ các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Theo đó, đối với những mặt hàng nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất thiết bị y tế trong nước chưa sản xuất cơ bản đã được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp;
Còn đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được thì áp dụng mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ cho sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các mặt hàng vật tư, linh kiện, thiết bị y tế có xuất xứ từ các nước và vùng lãnh thổ ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc sản xuất thiết bị y tế trong nước, khoản 14 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định:
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất thuộc đối tượng được miễn thuế.
Danh mục sản phẩm trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo quy định tại Phụ lục VI Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Như vậy, pháp luật thuế nhập khẩu đã có quy định cụ thể về việc áp dụng chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp thiết bị y tế. Đề nghị Hiệp hội Thiết bị y tế Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu hiện hành.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |