Dự thảo Luật Thương mại điện tử có các chính sách nổi bật nào? Quản lý nhà nước về thương mại điện tử gồm những nội dung nào?
Dự thảo Luật Thương mại điện tử có các chính sách nổi bật nào? (Hình từ internet)
Bộ Công Thương đã công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, trong đó Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Thương mại điện tử.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định một số chính sách lớn sau đây:
(1) Chính sách 01: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành
- Quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực TMĐT và đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành.
- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
(2) Chính sách 02: Quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan
- Kế thừa những quy định hiện hành tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, đảm bảo xác định chính xác những mô hình hoạt động TMĐT (website/ứng dụng TMĐT, website/ứng dụng cung cấp dịch vụ, mạng xã hội có tính năng đặt hàng trực tuyến, các website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới, v.v…), các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT.
- Đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động TMĐT và các chủ thể tham gia.
- Đảm bảo quy định đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.
- Đảm bảo tính phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, không phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản đang có hiệu lực.
- Đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT.
(3) Chính sách 03: Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử
- Tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
- Tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu để các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các nền tảng thương mại điện tử.
(4) Chính sách 04: Quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại
- Đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy
- Nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử
(5) Chính sách 05: Quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử
- Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
- Thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Trên đây là sơ lược về 05 chính sách nổi bật trong dự thảo Luật Thương mại điện tử.
Bộ Công Thương dự kiến đưa Luật Thương mại điện tử vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).
Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 5 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử như sau:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển thương mại điện tử.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn ứng dụng thương mại điện tử và các quy định về quản lý dịch vụ thương mại điện tử đặc thù.
3. Quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử.
4. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử.
5. Tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong thương mại điện tử.
6. Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử.
7. Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thương mại điện tử.
8. Thống kê về thương mại điện tử.
9. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |