Định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030

Định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030
Anh Hào

Dưới đây là nội dung định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030.

Định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030

Định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030 (Hình từ internet)

Định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030

Theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã nêu định hướng quy hoạch hệ thống nông thôn Việt Nam đến năm 2030 như sau:

- Định hướng phát triển nông thôn

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm. Cụ thể:

+ Phân bố tổ chức khu dân cư nông thôn cấp huyện, xã phù hợp với đặc trưng vùng miền và tiến trình đô thị hóa; trọng tâm an ninh lương thực đồng thời gắn với quá trình công nghiệp hóa; xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm;

+ Bảo tồn và phát triển khu dân cư nông thôn truyền thống, bảo vệ các khu vực nông thôn có giá trị đặc trưng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

+ Chủ động di dời, bảo vệ khu dân cư nông thôn nguy cơ thiên tai; bố trí, sắp xếp lại các điểm dân cư đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở;

+ Thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa lan tỏa, phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cấp, hiện đại hóa khu dân cư nông thôn có đủ điều kiện lên đô thị nhằm tăng cường dịch vụ chất lượng cao ở nông thôn;

+ Phát triển bền vững khu dân cư nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và miền núi: Thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn, nông thôn - nông thôn; rút ngắn khoảng cách về phát triển và mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với trung bình cả nước;

+ Xây dựng khu dân cư nông thôn gắn với vùng sinh thái nông nghiệp: Xây dựng các mô hình phân bố dân cư nông thôn phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp và đặc điểm dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội.

- Định hướng xây dựng phát triển vùng huyện và xã nông thôn

+ Phân bố tổ chức khu dân cư nông thôn: Bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với xây dựng huyện và xã nông thôn mới theo hướng tập trung, có điều kiện sống tương đương với khu vực đô thị. Xây dựng mới hoặc mở rộng khu dân cư nông thôn không nằm trong: Vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng có khí hậu xấu, vùng hành lang bảo vệ công trình hạ tầng, di sản. Huyện có các đô thị loại IV, V là các thị trấn, đô thị mới là trung tâm huyện lỵ hoặc trung tâm chuyên ngành thuộc huyện, giữ vai trò liên kết nông thôn - đô thị. Phát triển mỗi xã nông thôn có một trung tâm xã, tại khu trung tâm bố trí đầy đủ các chức năng giao dịch hành chính, mua sắm, giải trí... Phân bố các chức năng khu dân cư nông thôn đảm bảo: Tiết kiệm đất canh tác, thuận tiện đi lại, bảo vệ môi trường sống, tận dụng địa hình cảnh quan để tạo lập kiến trúc nông thôn đẹp có bản sắc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội vùng miền.

Tổ chức khu dân cư nông thôn các vùng kém thuận lợi phát triển: Quy hoạch huyện, xã xác định các tiểu vùng nông thôn hỗ trợ phát triển các xã nhỏ nằm cách xa các thị trấn; xây dựng các trung tâm cụm thôn, cụm xã có các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu phục vụ hoạt động cộng đồng.

Tổ chức khu dân cư nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của vùng miền, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống, rút ngắn khoảng cách về phát triển và mức thu nhập so với trung bình cả nước.

+ Về an sinh xã hội - văn hóa: Liên kết các thị trấn, đô thị mới (loại V) với khu dân cư nông thôn tạo thành mạng lưới hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện và xã, cung ứng đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, từng bước phát triển các dịch vụ nông thôn chất lượng cao. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở cho dân cư.

+ Về văn hóa và bản sắc kiến trúc nông thôn: Chú trọng hình thái không gian cư trú nông thôn theo đặc trưng địa hình cảnh quan và bản sắc văn hóa vùng miền, tăng mật độ dân cư để tiếp cận tốt hơn đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Các khu dân cư nông thôn truyền thống được bảo tồn, phục hồi các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng; nâng cấp, phát triển mới các không gian văn hóa cộng đồng nông thôn; duy trì phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp làng xã nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, làng văn hóa, cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa kết hợp phát triển du lịch.

+ Về kinh tế và sinh kế: Xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện và xã đáp ứng chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn hiện đại. Hình thành các khu chức năng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ logistic đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa nông sản khối lượng lớn và tham gia hiệu quả trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thiết lập các khu cụm, khu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất tuần hoàn sinh thái, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị hàng nông sản.

Chú trọng phát triển mô hình khu dân cư nông thôn kết hợp du lịch canh nông ở vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; khu dân cư nông thôn kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; khu dân cư nông thôn kết hợp kinh tế thủy sản ở cửa sông, ven biển, hải đảo. Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

+ Về môi trường và quản lý đất đai: Trên địa bàn huyện, xã phân vùng quản lý và sử dụng đất đai bảo vệ rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển và tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ các vùng chuyên canh, khu vực ưu tiên cho sản xuất nông trại công nghệ cao, môi trường cảnh quan nông nghiệp nông thôn kết hợp với phát triển du lịch ở nông thôn.

Hình thành các vành đai xanh, hành lang xanh trên địa bàn nông thôn các thành phố lớn không để các đô thị dính liền nhau và kiểm soát đô thị hóa tự phát; xác định ranh giới khu dân cư nông thôn hạn chế phát triển nhà ở lan tỏa, bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, khu lâm nghiệp. Cải thiện vệ sinh môi trường khu dân cư nông thôn, khơi thông ao tù, nước đọng, tăng diện tích cây xanh sử dụng công cộng và cây xanh trên tuyến đường nông thôn.

Các điểm dân cư tập trung đã nằm trong các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao cần được cải tạo gia cố bờ, kiểm soát và hạn chế việc bố trí công trình mới. Các cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ cần dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;