Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện tại Quyết định 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm (Hình từ Internet)
Thủ tướng ban hành Quyết định 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành tổng kết việc thi hành Luật An toàn thực phẩm; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiến hành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên ngành.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
- Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;
Cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp luật và chủ động tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;
Tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.
Tại Quyết định 426/QĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm sau đây:
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
- Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội, ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.
- Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
- Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu biên chế cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
- Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
- Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh;...
- Nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Phụ lục kèm theo.
Xem thêm nội dung tại Quyết định 426/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |