Đã có Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, theo đó, chứng minh nhân dân có còn sử dụng được không?
Đề xuất khai tử chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi |
Theo Điều 45 Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.
Như vậy, dự kiến chứng minh nhân dân chỉ còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024 và sẽ bị khai tử từ ngày 01/01/2025.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi đã đề cập đến Căn cước công dân điện tử tại Điều 31 Dự thảo, theo đó:
- Căn cước công dân điện tử là tài khoản định danh điện tử, chứa thông tin được in trên thẻ căn cước công dân, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân và thông tin khác của công dân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
- Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
* Giá trị sử dụng căn cước công dân điện tử
Điều 34 Dự thảo quy định căn cước công dân điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 Dự thảo, bao gồm:
1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
2. Số định danh cá nhân.
3. Ngày, tháng, năm sinh.
4. Giới tính.
5. Nơi đăng ký khai sinh.
6. Quê quán.
7. Dân tộc.
8. Tôn giáo.
9. Quốc tịch (Việt Nam)
10. Tình trạng hôn nhân.
11. Nơi thường trú.
12. Nơi tạm trú.
13. Tình trạng khai báo tạm vắng.
14. Nơi ở hiện tại.
15. Quan hệ với chủ hộ.
16. Nhóm máu.
17. Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, thời hạn có giá trị sử dụng.
18. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.
19. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.
20. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
21. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của người giám hộ, người được giám hộ.
22. Thông tin về diện chính sách (lao động - thương binh, xã hội; giáo dục – đào tạo; y tế; bảo hiểm).
23. Thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Xem thêm tại Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi.
Như Mai
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |