Đề xuất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện

Xin cho tôi hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, vậy đó là những đối tượng nào? - Ánh Nguyệt (Bình Định)

Đề xuất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sau tuổi nghỉ hưu hoặc chết.

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động có quyền tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

(Khoản 1, 3, 4 Điều 4 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi))

2. Đề xuất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện

2.1. Đề xuất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Căn cứ theo khoản 1, 2, 3 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

[1] Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đi theo chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 30 của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.

[2] Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019;

- Thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác.

[3] Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

2.2. Đề xuất đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:

- Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại  mục 2.1. Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3. Đề xuất hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện

- Hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của từng người lao động.

- Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện gồm Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

(Điều 26 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi))

Dương Thị Hoài Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

104 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;