Dưới đây là nội dung đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 (Hình từ internet)
Ngày 25/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1271/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Theo đó, định hướng và các giải pháp cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 như sau:
(1) Ngành, nghề kinh doanh
Các ngành, nghề kinh doanh thực hiện theo Nghị định 26/2018/NĐ-CP, Nghị định 105/2024/NĐ-CP và các văn bản điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế liên quan đến tổ chức và hoạt động của EVN được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định pháp luật.
(2) Đổi mới quản trị doanh nghiệp
- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực sau:
+ Hoàn thiện thể chế quản lý;
+ Hoạch định và triển khai Chiến lược phát triển EVN theo Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Nghiên cứu giải pháp, cơ chế mang lại lợi ích, hiệu quả đối với từng giai đoạn phát triển của thị trường điện;
+ Tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư;
+ Tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro; nâng cao năng lực công tác kiểm toán giám sát, thanh tra; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí;
+ Rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN theo quy định.
- Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp
+ Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho EVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; phối hợp với các bộ ngành để trình cấp thẩm quyền về sửa đổi/ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động phù hợp theo quy định, các văn bản pháp luật có liên quan...
+ Áp dụng quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế tại EVN và các đơn vị thành viên.
(3) Xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính và tăng cường công tác quản trị tài chính
- Xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch tài chính đảm bảo sử dụng tối ưu, hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn huy động được với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trong và ngoài nước;
- Xây dựng phương án tài chính, phương án cân đối vốn và dòng tiền để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các giải pháp đến tình hình tài chính của EVN, khả năng cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện quan trọng đến hết năm 2025;
- Xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn đến hết năm 2025;
- Nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các Tổng công ty Điện lực theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
- Xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa Công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường;
- Hoàn thiện và nâng cao công tác quản trị tài chính kế toán; quản lý tài sản và nguồn vốn, đảm bảo cân đối dòng tiền:
+ Sửa đổi, bổ sung các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh;
+ Tăng cường quản trị hàng tồn kho, sử dụng tài sản cố định;
+ Giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.
(4) Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý
- Phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý
+ Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành;
+ Thực hiện đổi mới mô hình tổ chức hướng đến giảm lao động quản lý gián tiếp tại cấp quản lý trung gian, đơn vị cấp dưới để đảm bảo tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả và hạn chế chồng chéo các chức năng nhiệm vụ tại Công ty mẹ;
+ Nghiên cứu tổ chức phòng điều khiển trung tâm (OCC) để điều khiển tập trung nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo.
- Phương án cơ cấu lại nhân sự
+ Thường xuyên rà soát, sửa đổi định biên, định mức lao động tại tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất, kinh doanh điện, đảm bảo phù hợp với mô hình, đặc điểm sản xuất kinh doanh, theo hướng tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến;
+ Thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp, lao động phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới; sắp xếp tinh giảm biên chế lao động nhất là đội ngũ quản lý và ở các khâu truyền tải, phân phối điện; lập kế hoạch điều chuyển hợp lý lao động từ các đơn vị dôi dư, vượt định biên để tránh phải tuyển dụng thêm lao động mới; áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích giải quyết lao động dôi dư, lao động lớn tuổi, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc;
- Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền lương, kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.
Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 1271/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/10/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |