Đăng ký giao dịch bảo đảm là gì?

Đăng ký giao dịch bảo đảm là hình thức bảo đảm tài sản thường gặp trong giao dịch dân sự về thế chấp tài sản. Qua việc đăng kí giao dịch bảo đảm Cơ quan Nhà nước sẽ quản lý được chặt chẽ các loại giao dịch bảo đảm, quyền sở hữu và giá trị tài sản bảo đảm đó.

 

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 83/2010/NĐ-CP có quy định Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.

Qua đăng ký giao dịch bảo đảm, Nhà nước công nhận một tình trạng đã được bảo đảm cho một nghĩa vụ hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự nhất định từ đó có thể xác định được thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm đối với các chủ nợ có bảo đảm bằng một tài sản. 

Điều 325 Bộ luật dân sự 2005 có quy định:

  1. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;
  2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;
  3. Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.

Theo Nghị định 83 các giao dịch bảo đảm sau đây phải đăng ký:

  • Thế chấp quyền sử dụng đất;
  • Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;
  • Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
  • Thế chấp tàu biển;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Đối với những giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc các trường hợp phải đăng ký như trên sẽ được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp tài sản bao gồm cả thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ.

Người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có thể là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này ủy quyền. Nếu có thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó.

Khi đăng ký giao dịch bảo đảm người yêu cầu đăng ký phải có nghĩa vụ và trách nhiệm kê khai chính xác, đúng sự thật, phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết và kê khai đầy đủ các mục thuộc diện phải kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký; lập hồ sơ đăng ký đầy đủ và không được giả mạo giấy tờ.

Nếu phát hiện đơn yêu cầu đăng ký có nội dung không đúng sự thật, không phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết, hồ sơ đăng ký có giấy tờ giả mạo mà gây thiệt hại thì người yêu cầu đăng ký phải bồi thường cho người bị thiệt hại; tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm mang lại những ý nghĩa nhất định như sau:

  • Đối với các trường hợp pháp luật quy định phải đăng kí giao dịch bảo đảm thì đây là điều kiện để hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật;
  • Là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp dùng một tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong khi giao dịch.
  • Là căn cứ giải quyết các tranh chấp phát sinh về giao dịch bảo đảm;
  • Trường hợp bắt buộc phải đăng ký, nhưng không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có thể bị vô hiệu và không có giá trị với người thứ ba, có nghĩa là nếu người thứ ba mua tài sản đang được dùng để thế chấp (bảo lãnh) ngân hàng, thì quyền sở hữu của người này vẫn được pháp luật bảo vệ, vì họ mua bán ngay tình và không biết tài sản này đang được cầm cố.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

33446 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;