Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ nếu trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, dù không phát hiện có hành vi vi phạm về an toàn giao thông thì CSGT vẫn được quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ, như:
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật cho phép CSGT được quyền dừng xe để kiểm tra giấy tờ ngay cả khi không có hành vi vi phạm và người điều khiển phương tiện khi được lệnh yêu cầu thì phải xuất trình giấy tờ cho CSGT kiểm tra. Việc chứng minh lỗi của người điều khiển xe được đặt ra khi CSGT thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông.
Trong trường này, nếu người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ xe như Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe... thì sẽ bị xử phạt tương ứng:
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng nếu:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;
- Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng nếu:
- Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 21 Nghị định 46;
- Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe;
- Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định).
- Nguyễn Trinh -
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn