Trong quá trình làm việc, cảnh sát giao thông có quyền dùng điện thoại cá nhân để chụp hình, quay phim người vi phạm làm căn cứ xử phạt hay không? Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được từ Quý Khách hàng và Thành viên, Thư Ký Luật xin giải đáp như sau:
Ảnh minh họa
Theo quy định tại Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức;
- Tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
- Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính;
- Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BCA, các phương tiện thông tin liên lạc bao gồm: máy bộ đàm, máy điện thoại, máy fax, máy tính truyền dữ liệu.
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 79 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các thiết bị ghi âm, ghi hình trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT cũng quy định cụ thể, thiết bị ghi hình khi chụp hình ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình. Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả thiết bị ghi hình phải ghi rõ địa điểm ghi hình.
Theo những quy định trên có thể thấy, việc cảnh sát giao thông sử dụng điện thoại cá nhân để chụp hình người vi phạm và làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật.
Thậm chí, theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 165/2013/NĐ-CP, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hoặc chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nguyễn Trinh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |