Ngày 19/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn 5024/VKSTC-V14 về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ THQCT, kiểm sát việc giải quyết VAHS trong ngành KSND.
Ảnh minh họa
Toàn bộ 44 giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS
Theo đó, để thống nhất nhận thức các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trong ngành Kiểm sát nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp một số vấn đề vướng mắc cơ bản. Đơn cử một số hướng dẫn như sau:
Thứ nhất, thế nào là “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015:
Vấn đề này, VKSNDTC đã viện dẫn khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP để trả lời. Theo đó, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần.
Thứ hai, trường hợp nào thì Kiểm sát viên thực hiện quyền triệu tập và hỏi cung bị can; tại điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS 2015?
VKSNDTC trả lời như sau:
- Trong giai đoạn điều tra: Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 BLTTHS 2015, Điều 28 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 03/QĐ-VKSTC , Kiểm sát viên triệu tập và hỏi cung trong trường hợp:
Bị can kêu oan;
Bị can khiếu nại hoạt động điều tra;
Có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật;
Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra;
Tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ;
Lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội;
Có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
- Trong giai đoạn truy tố: Theo quy định tại khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015, Điều 46 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 03/QĐ-VKSTC, Kiểm sát viên triệu tập và hỏi cung bị can trong trường hợp:
Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố;
Khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
Thứ ba, Kiểm tra viên có quyền độc lập ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự không?
Theo hướng dẫn của VKSNDTC tại Công văn 5024, hoạt động của Kiểm tra viên phải gắn với hoạt động của Kiểm sát viên. Kiểm tra viên chỉ được ghi biên bản khi mà Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung và thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự khác. Trong trường này thì Kiểm tra viên và Kiểm sát viên phải cùng ký vào biên bản.
Thanh Lâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |