Quyền được hưởng lương là quyền lợi tiên quyết cần phải được bảo vệ của người lao động (NLĐ). Doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động không được xâm phạm nó dưới bất kì hình thức nào hay không được phép khấu trừ tiền lương của NLĐ khi luật chưa cho phép.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp khi NLĐ có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được phép khấu trừ tiền lương của NLĐ theo điều kiện và hình thức cụ thể do Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định.
Cụ thể tại Điều 101 BLLĐ quy định:
“1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập”.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Tại Điều 130 BLLĐ cũng quy định NLĐ có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại và bị khấu trừ vào luơng hàng tháng.
Điều kiện khấu trừ lương: Thiệt hại do NLĐ gây ra không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ tìm việc, thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ theo lương hàng tháng theo quy định của BLLĐ.
NLĐ bị trừ lương phải được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình là gì. Căn cứ Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp khấu trừ tiền lương của NLĐ trái với quy định tại Điều 101 BLLĐ sẽ bị phạt hành chính với mức phạt dao động từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng NLĐ bị vi phạm.
Mặt khác, hiện nay Luật chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng ba hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức và sa thải được quy định tại Điều 125 BLLĐ. Ngoài ba hình thức kỷ luật nêu trên doanh nghiệp không được áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào khác đối với NLĐ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Như vậy, doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động không được phép khấu trừ lương của NLĐ khi chưa đáp ứng điều kiện luật định.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |