Công ty tài chính với Luật các tổ chức tín dụng 2010

Ngày 16/6/2010, Luật các tổ chức tín dụng 2010 được Quốc hội thông qua với 10 chương, 163 điều thay thế Luật các tổ chức tín dụng ban hành năm 1997, sửa đổi bổ sung năm 2004. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Về cơ bản Luật các tổ chức tín dụng có những thay đổi quan trọng đối với các quy định về thành lập, cơ cấu tổ chức, điều kiện đối với đối tượng quản lý điều hành các tổ chức tín dụng. Luật các tổ chức tín dụng mới ban hành còn có những quy định mới về kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng mà trước nay chưa được quy định đầy đủ trong Luật các tổ chức tín dụng 1997.

Đáng chú ý Luật mới có nhiều thay đổi quan trọng về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính – một định chế tài chính có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các thay đổi có ảnh hưởng lớn nhất đến các công ty tài chính có thể kể đến như sau:

Không nhận tiền gửi của cá nhân

Tại Khoản 4, Điều 4 và Điểm a, Khoản 1, Điều 108, Luật các tổ chức tín dụng có quy định công ty tài chính không được nhận tiền gửi của cá nhân, chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức. Trong khi tại Luật các tổ chức tín dụng 1997, sửa đổi bổ sung 2004 công ty tài chính vẫn được nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân có kỳ hạn từ 1 năm trở lên.

Ở nước ta, phần lớn các công ty tài chính ra đời với mục đích đáp ứng nhu cầu thu xếp vốn trong nội bộ các tổng công ty, tập đoàn lớn. Các công ty này nhận tiền gửi của các thành viên tổng công ty, thành viên tập đoàn (gọi tắt là công ty mẹ) và thường giải ngân trong những công ty thành viên của công ty mẹ. Có lẽ vì vậy mà pháp luật cho rằng, việc quy định công ty tài chính được nhận tiền gửi của cá nhân là không cần thiết và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi các dự án mà công ty này thu xếp vốn thường là các dự án có nguồn vốn huy động lớn, thời gian thu hồi chậm hơn so với các khoản cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nhưng hiện nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định cụ thể hướng dẫn các tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện quy định trên cũng như phương hướng xử lý đối với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Nhiều quy định khác chưa có hướng dẫn, việc nhận tiền gửi của cá nhân vẫn được một số tổ chức tín dụng thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng cũ.

Việc pháp luật quy định không được nhận tiền gửi của cá nhân là một điểm khá tương đồng so với pháp luật quốc tế, tuy nhiên lại khiến cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Bên cạnh các công ty tài chính thành lập để tiến hành hoạt động thu xếp vốn nội bộ cũng có những công ty tài chính thành lập với mục đích chính là cung cấp các dịch vụ tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng như các công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Vì vậy việc quy định mới có hiệu lực thi hành sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với hoạt động huy động vốn của các công ty tài chính.

Đồng thời với quy định trên, hiện nay luật hiện hành có quy định các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được nhận tiền gửi của các tổ chức nhưng không ghi rõ nhận tiền gửi không kỳ hạn hay có kỳ hạn, kỳ hạn là bao nhiêu dẫn đến nhiều tranh cãi. Dự thảo nghị định hướng dẫn về công ty tài chính được ban hành với quy định rằng, công ty tài chính chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức với kỳ hạn trên 1 năm. Quy định này nếu được ban hành sẽ hạn chế rất lớn khả năng huy động vốn của các công ty tài chính, trong khi Luật mới đã không cho công ty tài chính huy động tiền gửi cá nhân.

Thu hẹp phạm vi kinh doanh

Phạm vi kinh doanh của các công ty tài chính là một số hoạt động trước đây không được quy định hoặc quy định không rõ nay đã có quy định khá rõ. Các quy định về cung cấp các sản phẩm tài chính phái sinh như phái sinh về tỉ giá, quyền chọn chỉ được quy định trong phần hoạt động của ngân hàng thương mại mà không quy định đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đây cũng là điểm hạn chế cho các công ty tài chính trong việc phát triển các sản phẩm tài chính hiện đại.

Đồng thời, các công ty tài chính không được kinh doanh bất động sản trực tiếp hay gián tiếp. Trước đây, luật cũ quy định công ty tài chính không được trực tiếp kinh doanh bất động sản, điều ấy có nghĩa là công ty tài chính có thể kinh doanh bất động sản thông qua công ty con. Và thực tế đã phát sinh, một số công ty tài chính đã thành lập công ty bất động sản trực thuộc công ty tài chính để tiến hành các hoạt động kinh doanh bất động sản do lợi thế về vốn so với các đơn vị khác. Các công ty tài chính có công ty thành viên kinh doanh bất động sản sẽ phải có phương hướng xử lý trong thời gian tới, hoặc là thoái vốn, hoặc là xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ phần vốn được nắm giữ trong những trường hợp đặc biệt, hoặc có lộ trình thoái vốn theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, các thay đổi của Luật mới tập trung vào các nội dung đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng, hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh. Tuy nhiên, những quy định trên cũng đặt ra cho các công ty tài chính nhiều yêu cầu thay đổi về quy mô tổ chức, hoạt động, sản phẩm trong thời gian tới.

Nguồn: petrotimes.vn

405 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;