Công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025

Công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025
Tấn Đại

Bài viết sau có nội dung về công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025 được quy định trong Thông tư 21/2024/TT-BTNMT.

Công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025

Công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm.

Công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT thì công tác đánh giá điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ khoáng sản đất hiếm được thực hiện như sau:

- Đánh giá điều kiện địa chất thủy văn:

+ Thu thập tài liệu khí tượng thủy văn khu vực thăm dò tối thiểu trong 05 năm gần nhất;

+ Kết quả thăm dò phải đánh giá được các tầng chứa nước chính có thể làm ngập lụt mỏ, đặc biệt ở phần mỏ có nhiều khả năng ngập lụt nhất để giải quyết vấn đề thoát nước, tháo khô mỏ;

+ Đối với các tầng chứa nước phải xác định chiều dày, thành phần thạch học, điều kiện cấp nước, phải xác định được quan hệ giữa các tầng chứa nước với nhau, quan hệ giữa nước mặt, nước ngầm và các thông số liên quan khác;

+ Phải nghiên cứu thành phần hóa học và vi sinh của nước, đánh giá khả năng ăn mòn bê tông, kim loại, hàm lượng các thành phần có ích, có hại trong nước; đánh giá ảnh hưởng của việc bơm thoát nước mỏ đến các công trình sử dụng nước ngầm trong vùng, cũng như khả năng sử dụng nước sinh hoạt. Kiến nghị các giải pháp liên quan đến việc cấp, thoát nước và mức độ ảnh hưởng của việc tháo khô mỏ đến môi trường xung quanh;

+ Toàn bộ các điều kiện địa chất thủy văn và các yếu tố tự nhiên khác cần được đánh giá đáp ứng yêu cầu cho lập dự án đầu tư khai thác và thiết kế mỏ. Trường hợp điều kiện địa chất thủy văn cực kỳ phức tạp, cần phải có đề án điều tra, đánh giá chuyên ngành. Công tác đánh giá địa chất thủy văn thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Đánh giá điều kiện địa chất công trình:

+ Kết quả thăm dò phải xác định được các tính chất cơ lý của quặng, đá vây quanh và đất phủ trong điều kiện tự nhiên và trong điều kiện bão hòa nước; đặc điểm địa chất công trình của các tầng đá và tính dị hướng của chúng, thành phần đá, độ nứt nẻ, phá hủy kiến tạo, karst, hiện tượng phá hủy trong đới phong hóa;

+ Kết quả thăm dò phải đánh giá độ bền vững của các công trình mỏ và tính toán các thông số cơ bản của moong khai thác, độ ổn định của lò;

+ Toàn bộ các điều kiện địa chất công trình và các yếu tố tự nhiên khác cần được đánh giá đáp ứng yêu cầu cho lập dự án đầu tư khai thác và thiết kế mỏ. Trường hợp điều kiện địa chất công trình cực kỳ phức tạp, cần phải có đề án điều tra, đánh giá chuyên ngành. Công tác đánh giá địa chất công trình thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Đánh giá địa chất môi trường:

+ Xác định chi tiết tình trạng chất lượng nước bề mặt và nước ngầm trong khu vực mỏ, đưa ra đánh giá về chất lượng môi trường nước của khu vực mỏ;

+ Xác định chi tiết và nghiên cứu mức độ, hàm lượng, phân bố và quy luật biến đổi của các chất phóng xạ, các chất độc hại, cũng như các khí độc hại, chỉ ra những yếu tố có thể gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá chất lượng môi trường nguyên sinh; dự báo chất lượng môi trường thứ sinh và đưa ra các đề xuất phòng ngừa;

+ Xác định chi tiết ảnh hưởng của việc khai thác các mỏ đất hiếm đối với nước bề mặt (nước ngầm) và khả năng gây ra các thảm họa địa chất thứ sinh như lũ bùn đá, sạt lở đất, đồng thời đề xuất các phương án xử lý và biện pháp phòng chống;

+ Phân tích các dữ liệu liên quan đến động đất trong khu vực và khu vực thăm dò, nghiên cứu đặc điểm của hoạt động tân kiến tạo, đánh giá tính ổn định của khu vực;

+ Điều tra các hiện tượng địa chất tai biến trong khu vực mỏ (trượt đá, sạt lở, lũ quét, lũ bùn đá, sụt lún mặt đất, lún đất,...), dự báo tác động và sự phá hủy của việc khai thác mỏ đối với môi trường địa chất và môi trường sinh thái, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa.

Xem thêm Thông tư 21/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ 06/01/2025.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;