Công khai buôn bán vũ khí trên mạng. Liệu có vi phạm pháp luật?

Hiện nay có rất nhiều cửa hàng online rao bán công khai các loại vũ khí như: Roi điện, súng điện, súng hơi cay... Mặc dù đây là những loại vũ khí cấm lưu thông trên thị trường nhưng việc giao dịch mua bán diễn ra khá suôn sẻ bởi được ngụy trang dưới hình thức mua bán công cụ hỗ trợ thông qua những tài khoản mạng xã hội ảo, do đó việc điều tra và kiểm soát là vô cùng khó khăn.

Ra đường, chúng ta dễ bắt gặp những đối tượng thanh thiếu niên mang theo vũ khí như dao xếp, roi điện với lý do biện minh là để "phòng thân", bên cạnh đó một số đối tượng lại sử dụng nhằm mục đích đánh nhau, trả thù cá nhân. Họ không biết rằng hành vi mang theo vũ khí và sử dụng nó khi cần lại dễ biến họ trở thành tội phạm hình sự. Số vụ vi phạm pháp luật do các đối tượng thanh thiếu niên sử dụng vũ khí gây ra khá nhiều và có chiều hướng gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối và đáng lo ngại cho xã hội.

Đứng trước tình hình trên, các cơ quan chức năng luôn ra sức kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đầu mối tàng trữ, mua bán vũ khí nhằm hạn chế tình hình tội phạm diễn ra.

Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định các loại vũ khí bao gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Trong đó, vũ khí quân dụng gồm: Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.

Tại Điều 4 Nghị định 25/2012/NĐ-CP có quy định: Nghiêm cấm các hành vi lạm dụng và sử dụng vũ khí để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, pháp luật hình sự cũng có một số quy định cụ thể như sau:

  • Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự (BLHS): Người nào tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí quân dụng có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là một năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
  • Đối với các loại vũ khí thô sơ, Điều 233 BLHS quy định “Người nào tàng trữ, vận chuyển vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1 - 5 năm. 

Trường hợp người có hành vi vi phạm về quản lý vũ khí thô sơ, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP

Như vậy, người có hành vi mang vũ khí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính tùy thuộc vào loại vũ khí, số lượng vũ khí, tính chất của hành vi.

 

1647 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;