Có thể kiện người tư vấn bán hàng không?

Vô tình một ngày nào đó, bạn nhận được điện thoại của một công ty bảo hiểm, họ tư vấn và khuyến khích bạn mua bảo hiểm, không dừng ở đó họ có thể đọc vanh vách những thông tin cá nhân của bạn như tên, tuổi, địa chỉ, nơi làm việc hay tiền lương thu nhập hàng tháng của bạn,… Bạn cảm thấy khó chịu về hành vi này và cho rằng đó là xâm phạm bí mật cá nhân. Liệu hành vi này có vi phạm pháp luật không?

Thực tế những trường hợp bị tiết lộ thông tin cá nhân như vậy xảy ra khá phổ biến. Đa số những người tư vấn bán hàng (người bán hàng) vô tình thu thập được thông tin bất kỳ của một cá nhân nào đó, từ dữ liệu có được họ có cơ sở để trao đổi và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng với mục đích là mua – bán, thế nhưng ngoài những thông tin cơ bản ra họ còn đi sâu vào những thông tin riêng tư khác như tiền lương, tài khoản ngân hàng,…đây là những thông tin tế nhị mà bất kỳ ai cũng không muốn bị tiết lộ. Có những thông tin cá nhân được cho là thuộc bí mật đời tư và nếu bị tiết lộ thì chính là xâm phạm bí mật đời tư, gây xáo trộn đời sống tinh thần mỗi người...

Cuối năm 2010 Apple cùng một vài nhà thiết kế ứng dụng cho iPhone, như Pandora và Dictionary.com bị dính vào một vụ kiện vì đã giúp các nhà quảng cáo bí mật thu thập thông tin người dùng iPhone mà không được sự cho phép của họ.

Bản cáo trạng cho rằng một vài nhà thiết kế ứng dụng đã thu thập thông tin cá nhân và vị trí của người dùng, rồi cho phép các nhà quảng cáo dựa vào thông tin đó để chèn các nội dung phù hợp bên trong các ứng dụng. Người dùng không hề biết rõ về hoạt động này cũng như chưa hề chấp thuận.

Tại Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 có đề cập đến quyền được bảo vệ đời tư như sau:

“Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”.

Và tại Điều 17 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị quyền được bảo vệ đời tư được khẳng định thêm lần nữa:  

“1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”

Quy định này nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà có thể do các quan chức nhà nước hay do các thể nhân và pháp nhân khác gây ra.

Theo điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 quyền bí mật đời tư được quy định như sau:

"Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
….”

Nếu bất kỳ ai có hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

”1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. “

Hiện nay, bán hàng qua điện thoại là một hình thức phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, bất động sản... tuy nhiên hoạt động này đang dần gây ấn tượng "xấu" cho nhiều khách hàng, một phần là quá phiền phức về giờ giấc, một phần cảm thấy không đáng tin, thiếu rõ ràng, sợ bị lừa đảo. Bên cạnh mục đích bán hàng, người bán lại quá quan tâm đến cuộc sống cá nhân của khách hàng là không cần thiết.

Như vậy, việc thu thập thông tin cá nhân cần phải có một ranh giới nhất định, ngay cả những người bán hàng phải có giới hạn trong việc khai thác những thông tin mình có được. Lỡ chẳng may biết nhiều quá lại biến thành xâm phạm bí mật đời tư rồi lại rước họa vào thân. Các bạn khách hàng cũng phải thật tỉnh táo và cẩn trọng trước những lời mời gọi mua bán sản phẩm, phải biết dừng lại và kiểm soát những thông tin cá nhân của chính bạn để đảm bảo an toàn và tránh bị làm phiền. 

392 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;