Cơ sở vật chất của thư viện đại học

Cơ sở vật chất của thư viện đại học
Dương Châu Thanh

Xin hỏi cơ sở vật chất của thư viện đại học được quy định như thế nào? Diện tích thư viện đại học là bao nhiêu? - Thanh Nhàn (Hà Nội)

Cơ sở vật chất của thư viện đại học

Cơ sở vật chất ca thư vin đi hc (Hình t internet)

Cơ sở vật chất ca thư vin đi hc

Nội dung đề cập tại Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT về Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/9/2023.

Theo đó, quy định cơ sở vật chất của thư viện đại học như sau:

(1) Thư viện đại học được bố trí ở vị trí thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng.

(2) Diện tích thư viện đại học

- Tổng diện tích thư viện đại học được xác định theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm diện tích khu chức năng và khu phụ trợ;

- Khu chức năng gồm các khu vực: Không gian đọc (các phòng đọc và không gian mở); lưu trữ tài nguyên thông tin; tra cứu, mượn trả và quầy thông tin; trưng bày, giới thiệu tài nguyên thông tin; phòng diễn giảng; dịch vụ; hành chính, nghiệp vụ;

- Khu phụ trợ gồm các khu vực: Sảnh; hành lang; cầu thang; khu vệ sinh và các phòng kỹ thuật.

(3) Không gian đọc

- Số chỗ ngồi trong các phòng đọc được tính tối thiểu cho 5% tổng số người học và bảo đảm định mức 2,4 m2/01 chỗ (không bao gồm không gian mở). Tổng diện tích các phòng đọc không nhỏ hơn 200 m2.

Tùy theo lĩnh vực đào tạo, hình thức đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học để xác định loại hình, số lượng phòng đọc và số chỗ ngồi hợp lý trong từng phòng:

+ Phòng đọc chung là phòng đọc dùng chung dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu;

+ Phòng đọc chuyên ngành dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu chuyên sâu theo lĩnh vực;

+ Phòng học nhóm dành cho người sử dụng thư viện trao đổi, thảo luận theo nhóm;

+ Phòng đa phương tiện được trang bị các thiết bị chuyên dùng để khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin số có định dạng nội dung khác nhau như văn bản điện tử, audio, hình ảnh, hoạt hình, video.

- Không gian mở được tổ chức linh hoạt trong khuôn viên của thư viện đại học và cơ sở giáo dục đại học; được trang bị các thiết bị chuyên dùng tạo sự tiện nghi, linh hoạt trong khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin.

(4) Lưu trữ tài nguyên thông tin

- Tài nguyên thông tin được tổ chức, sắp xếp thành khu riêng biệt hoặc kết hợp trong các phòng đọc, không gian mở bảo đảm việc quản lý, bảo quản và lưu trữ phù hợp với đặc thù của từng loại tài nguyên thông tin, gồm: Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm được lưu trữ theo hình thức kho mở và kho đóng; tài nguyên thông tin số được lưu trữ trên hệ thống máy chủ và các loại hình, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác;

- Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm bảo đảm diện tích kho đóng 2,5 m2/1.000 bản sách; kho mở 4,5 m2/1.000 bản sách;

- Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin số bảo đảm diện tích để tổ chức hệ thống máy chủ và các loại hình, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác.

(5) Tra cứu, mượn trả và quầy thông tin

- Khu vực tra cứu được tổ chức riêng biệt hoặc kết hợp trong các phòng đọc;

- Khu vực mượn trả được bố trí ở vị trí thuận lợi cho hoạt động mượn trả tài nguyên thông tin;

- Quầy thông tin được bố trí ở vị trí dễ nhận biết, thuận lợi cho hoạt động hỏi đáp thư viện.

(6) Khu trưng bày, giới thiệu tài nguyên thông tin được tổ chức phòng riêng biệt hoặc kết hợp tại sảnh, hành lang, phòng đọc của thư viện đại học.

(7) Phòng diễn giảng được bố trí phòng riêng biệt hoặc kết hợp với phòng học, giảng đường hoặc hội trường của cơ sở giáo dục đại học.

(8) Tùy điều kiện của từng thư viện đại học để tổ chức khu dịch vụ bảo đảm thuận lợi, an toàn, vệ sinh môi trường, phù hợp với hoạt động sử dụng và quản lý thư viện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT, gồm:

- Khu dịch vụ ăn uống, giải trí;

- Khu dịch vụ in ấn, sao, chụp tài liệu;

- Khu dịch vụ khác.

(9) Khu hành chính, nghiệp vụ bảo đảm đủ diện tích để người làm công tác thư viện làm việc và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ thư viện.

(10) Các yêu cầu kỹ thuật

- Nền và sàn của thư viện đại học phải phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, trong đó nền và sàn của phòng đọc sử dụng thảm hoặc các vật liệu lát sàn khác, dễ làm vệ sinh, không có kẽ hở, chống được ẩm mốc;

- Hệ thống cửa ra vào, cửa sổ của thư viện đại học phải phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành; bảo đảm yêu cầu chiếu sáng tự nhiên, thông gió thoáng khí cho phòng; bảo đảm thuận tiện, an toàn trong sử dụng, dễ vệ sinh, làm sạch;

- Hệ thống chiếu sáng của thư viện đại học gồm chiếu sáng tự nhiên, chiếu sáng nhân tạo và chiếu sáng hỗn hợp. Hệ thống chiếu sáng phải tuân theo các tiêu chuẩn về chiếu sáng hiện hành;

- Hệ thống thông gió của thư viện đại học được tổ chức thông gió tự nhiên và nhân tạo bảo đảm môi trường không khí trong sạch. Hệ thống điều hòa không khí bảo đảm điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp với từng loại hình tài nguyên thông tin;

- Hệ thống phòng cháy và chữa cháy của thư viện đại học bảo đảm các yêu cầu về an toàn cháy cho nhà và công trình theo quy định.

Dương Châu Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1029 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;