Có kế hoạch tổ chức dạy lớp ghép cấp tiểu học 2 buổi/ngày

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thế nào về việc tổ chức lớp ghép cấp tiểu học? Việc đánh giá học sinh học lớp ghép thực hiện thế nào? - Thanh Thảo (Bình Thuận)

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5335/BGDĐT-GDTH ngày 12/10/2022 hướng dẫn tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học.

1. Thế nào là lớp ghép?

Theo Công văn 5335/BGDĐT-GDTH, lớp ghép là lớp học có học sinh ở hai nhóm trình độ (lớp) khác nhau trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy trong cùng một thời gian nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của từng nhóm trình độ.

Có kế hoạch tổ chức dạy lớp ghép cấp tiểu học 2 buổi/ngày

Có kế hoạch tổ chức dạy lớp ghép cấp tiểu học 2 buổi/ngày (Hình từ Internet)

2. Yêu cầu đối với lớp ghép cấp tiểu học

- Bảo đảm học sinh được học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và được tổ chức học tập 2 buổi/ngày theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh. Lớp ghép hai trình độ hoặc lớp ghép ba trình độ đều được tính là một đơn vị lớp ghép. Ưu tiên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau và hạn chế ghép lớp trình độ không liền nhau.

- Mỗi lớp ghép cần bố trí đủ không gian, được trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lớp ghép, từng nhóm trình độ và đặc thù khi tổ chức dạy học lớp ghép.

3. Kế hoạch dạy học lớp ghép cấp tiểu học

Thực hiện Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021, các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học lớp ghép để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. 

Kế hoạch dạy học lớp ghép được xây dựng cho cả năm học, mỗi học kỳ, từng tháng, từng tuần học phù hợp với các trình độ, nhưng bảo đảm tính linh hoạt về hình thức tổ chức5 phù hợp với đối tượng học sinh để đến cuối năm học tất cả học sinh đều đạt được mục tiêu giáo dục của từng trình độ tương ứng. 

Nội dung, mức độ, thời lượng các hoạt động giáo dục đối với lớp ghép được thực hiện linh hoạt căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của lớp ghép, trên cơ sở bảo đảm việc tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của chương trình.

Khi xây dựng Kế hoạch dạy học lớp ghép cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

- Đối với môn Tiếng Việt, môn Toán: thực hiện dạy học đúng, đủ nội dung chương trình môn học theo quy định cho từng nhóm trình độ, trong đó đặc biệt quan tâm hoạt động củng cố, tăng cường tiếng Việt đối với học sinh trình độ lớp 1, lớp 2.

- Đối với các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc khác ngoài môn Tiếng Việt, môn Toán, khi xây dựng kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục, cần tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, rà soát nội dung chương trình môn học (các mạch nội dung, yêu cầu cần đạt...), sách giáo khoa để xác định nội dung trọng tâm và thiết kế các chủ đề dạy học theo hướng tích hợp nội môn (thiết kế các chủ đề dạy học trong cùng môn học) hoặc liên môn (xây dựng các chủ đề dạy học có nội dung gần nhau của các môn học) bảo đảm yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định đối với các nhóm trình độ khác nhau. 

Khi thiết kế chủ đề dạy học tích hợp cần lựa chọn nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục của nhóm trình độ thấp hơn làm cơ sở, nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục của nhóm trình độ cao được xem là phần mở rộng; phải xác định được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo từng trình độ tương ứng để bảo đảm tổ chức dạy học đạt chất lượng theo quy định.

4. Phương pháp đánh giá học sinh học lớp ghép cấp tiểu học

Thực hiện đánh giá học sinh lớp ghép theo quy định hiện hành, trong đó:

Đối với môn Tiếng Việt, môn Toán: thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập của học sinh đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt, môn Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục ngoài môn Tiếng Việt, môn Toán: thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, khi thực hiện đánh giá cần bảo đảm các nội dung như sau:

- Căn cứ vào Kế hoạch dạy học (yêu cầu cần đạt đối với từng môn học, hoạt động giáo dục và yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo từng trình độ tương ứng), các Kế hoạch bài dạy, mục tiêu giáo dục theo từng trình độ và căn cứ vào nhận xét, đánh giá thường xuyên qua quá trình học tập.

- Tập trung đánh giá bằng nhận xét thông qua các phương pháp chủ yếu là phương pháp quan sát; phương pháp vấn đáp; phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh.

- Trong quá trình đánh giá bằng nhận xét cần coi trọng động viên sự tiến bộ của học sinh, khơi dậy hứng thú học tập để tất cả học sinh đều được học tập, được đánh giá và có thể được xác nhận chính xác, khách quan về hoàn thành chương trình lớp học theo trình độ tương ứng.

Xem thêm tại Công văn 5335/BGDĐT-GDTH ngày 12/10/2022.

Như Mai

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

900 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;