Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ công bố Quyết định số 25/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng cục Thủy lợi và có hiệu lực kể từ ngày 18-8-2017.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Luật Thủy lợi cũng được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2017. Đây là thời cơ mới cho ngành thủy lợi trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Từ lâu, ngành thủy lợi vẫn bị bó buộc bởi cơ chế bao cấp, chồng chéo, trùng lặp, với ít nhất có ba Bộ (Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương) cùng quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý nguồn nước theo lưu vực sông. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 6.600 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, gần 26.000 km đê các loại. Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho 7,5 triệu ha lúa, 1,7 triệu ha hoa màu và cây công nghiệp… Nhưng nhiều công trình thủy lợi được thiết kế để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, còn phần lớn các cây trồng cạn chưa được tưới, hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu, lãng phí nước. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông gây cản trở việc thoát lũ, tạo thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi. Còn các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thì hoạt động chủ yếu theo cơ chế bao cấp, thiếu công cụ giám sát nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, việc sử dụng nước tưới lãng phí, hiệu quả thấp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã và đang hằng ngày, hằng giờ tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, gây nên hiện tượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa, hoặc tần suất cao trong thời gian ngắn, rồi nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại… gây nên tình trạng dòng chảy sông suối bị suy giảm, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ngập úng… Do đó công tác thủy lợi trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đổi mới để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nông nghiệp. Thủy lợi không chỉ phục vụ cây lúa mà còn phải hướng đến phục vụ cây công nghiệp và những loại rau màu có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh việc đáp ứng nguồn nước sản xuất còn phải bảo đảm chất lượng nước cho sinh hoạt của người dân nông thôn. Muốn vậy ngành thủy lợi phải biến nước thành hàng hóa vừa để chống lãng phí tài nguyên, cũng như tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Ngành thủy lợi hiện đã có “cẩm nang” là Luật Thủy lợi vừa ban hành, với những thay đổi căn bản, tạo thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa công tác, giúp cho công tác đầu tư xây dựng, quản lý khai thác các công trình thủy lợi có chất lượng cao hơn và sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt là việc chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang dịch vụ thủy lợi sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động thủy lợi. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước cũng được chỉ đích danh ngành thủy lợi để bảo đảm quy hoạch thống nhất tránh chồng chéo, trùng lắp như thời gian qua.
Vấn đề còn lại là “cờ” đã đến tay, ngành thủy lợi sẽ “phất” như thế nào để chính sách pháp luật về thủy lợi sớm đi vào cuộc sống.
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |