Có được phép lấy tên riêng đặt tên cho công trình công cộng không?

Việc một nhà tài trợ dùng tên của người cha ruột để thay thế cái tên cũ của một cây cầu ở Long An đã hư hỏng sau khi người này cải tạo, xây mới cây cầu gần đây đã vấp phải phản ứng từ dư luận cũng như sự phản đối quyết liệt của người dân nơi đây.

 

Được biết, cây cầu với tên cũ là Kinh Tắt đã tồn tại mấy chục năm, do bị hư hỏng nặng nên giữa năm 2014 một doanh nghiệp tư nhân gần cầu đã đầu tư kinh phí xây lại bằng cầu bê tông vĩnh cửu, nhưng sau khi hoàn thành cầu Kinh Tắt lại được thay thế bằng tên cầu Mười Út. Mặc dù việc xây dựng lại cây cầu mới tạo điều kiện để người dân nơi đây đi lại thuận tiện, mang lại giá trị và công lao lớn cho người dân địa phương nhưng đây vốn là công trình công cộng, đã từng gắn liền với lối sống, hoạt động sinh hoạt của người dân, nhưng nay lại bị đổi tên như vậy thì việc người dân phản đối, không đồng tình cũng là lẽ đương nhiên.

 

Tại Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng được ban hành kèm theo Nghị quyết 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. 

Cũng tại Quy chế này, việc đặt tên công trình công cộng phải dựa trên cơ sở lựa chọn một trong các tên như sau:

  • Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.
  • Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội là những danh từ chung như Độc lập, Tự do, Dân chủ, Thống nhất, Giải phóng, Đồng khởi… Những danh từ đó đều có thể sử dụng để đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng.
  • Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
  • Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.
  • Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài.
    Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

Việc đổi tên công trình công cộng chỉ được thực hiện trong trường hợp xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Điều 15, 16, 17 của Quy chế quy định việc đặt, đổi tên đường, công trình công cộng quan trọng, UBND tỉnh, TP thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định; đối với các công trình công cộng khác UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương quyết định việc đặt tên hoặc ủy quyền cho UBND thành phố trực thuộc tỉnh, UBND quận, huyện, thị xã quyết định.

Như vậy, việc tự ý thay đổi tên cầu trong câu chuyện nêu trên là đã vi phạm Quy chế

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1716 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;