Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT

Xin cho tôi hỏi cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT được quy định thế nào? - Hòa Hiệp (Thanh Hóa)

Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT

Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT (Hình từ internet)

Ngày 29/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 12/2023/TT-BNNPTNT hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

1. Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT

(1) Hội đồng quản lý có từ 05 đến 11 thành viên tùy thuộc vào đặc thù của đơn vị, trong đó có Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.

(2) Thành phần Hội đồng quản lý

- Chủ tịch Hội đồng quản lý là đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập; Chủ tịch Hội đồng quản lý không đồng thời là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đại diện cơ quan quản lý cấp trên và cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập) hoặc đại diện lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập (trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp);

- Đại diện lãnh đạo một số phòng, ban trực thuộc của đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). Trường hợp không có tổ chức trực thuộc thì cử đại diện viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập tham gia Hội đồng quản lý;

- Đại diện cấp ủy Đảng, đoàn thể của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đại diện tổ chức, đơn vị liên quan (nếu có).

(3) Số lượng, cơ cấu, thành phần cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo quy định tại (1).

(Điều 5 Thông tư 12/2023/TT-BNNPTNT)

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL thuộc lĩnh vực NN&PTNT

(1) Chủ tịch Hội đồng quản lý

- Điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư 12/2023/TT-BNNPTNT;

- Tổ chức việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm, hàng quý của Hội đồng quản lý; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý; chỉ đạo chuẩn bị các chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý;

- Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý theo quy định;

- Phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản lý;

- Thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản lý quy định tại (4) và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

(2) Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có)

- Điều hành hoạt động và ký các văn bản của Hội đồng quản lý theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý quy định tại (4) và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

(3) Thư ký Hội đồng quản lý

- Tổng hợp thông tin về hoạt động của đơn vị báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng quản lý; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ, các văn bản của Hội đồng quản lý;

- Chuẩn bị các báo cáo, văn bản giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý quy định tại (4) và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

(4) Thành viên Hội đồng quản lý

- Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng quản lý phân công; các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm; đề xuất nội dung và các vấn đề cần thảo luận tại cuộc họp Hội đồng quản lý;

- Dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý, góp ý kiến, biểu quyết về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản lý;

- Được cung cấp và tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ công tác của Hội đồng quản lý theo quy định.

(Điều 6 Thông tư 12/2023/TT-BNNPTNT)

Xem thêm Thông tư 12/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.

Hồ Quốc Tuấn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

400 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;