Chuyển đổi trường trung cấp dân lập sang trung cấp tư thục

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục.

Chuyển đổi trung cấp dân lập sang tư thục, Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT.

Chuyển đổi trường trung cấp dân lập sang trung cấp tư thục (Ảnh minh họa)

Theo đó, Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT quy định về việc chuyển đổi trường trung cấp dân lập sang trung cấp tư thục như sau:

Tài sản, tiền vốn: Trước khi chuyển đổi, trường dân lập phải tiến hành:

  • Kiểm kê, phân loại và định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường quy về mặt bằng giá trị tại thời điểm chuyển đổi. Thực hiện việc đối chiếu sổ sách với thời điểm kiểm kê, làm rõ nguyên nhân chênh lệch (nếu có).

  • Phân loại tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế theo nguồn gốc hình thành trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại và định giá.

Chuyển đổi giá trị tài sản, tiền vốn của trường trung cấp dân lập:

  • Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được xác định thuộc vốn đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân vào trường dân lập sẽ được bảo toàn giá trị theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi và kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu khi chuyển sang loại hình trường tư thục;

  • Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng và mua sắm tích lũy trong quá trình hoạt động của trường dân lập được coi là tài sản không chia, thuộc sở hữu chung của trường, được xác định theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi để chuyển sang trường tư thục và giao cho Hội đồng quản trị trường tư thục sử dụng, quản lý theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển.

Quyền sử dụng đất: Trường dân lập có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng và giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giáo dục.

Các thành viên góp vốn:

  • Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức) đã đứng tên thành lập trường dân lập được quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục. Tổ chức đứng tên thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;

  • Các thành viên sáng lập và thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được quyền góp vốn để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục, nếu không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;

  • Các nhà đầu tư có vốn góp để xây dựng trường dân lập được quyền trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục.

Quyền lợi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh:

- Quyền lợi cán bộ, giáo viên, nhân viên: Sau khi có quyết định chuyển đổi, hiệu trưởng trường tư thục ký lại hợp đồng lao động với cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường dân lập đã ký trước khi chuyển đổi với các điều kiện được hai bên thỏa thuận theo hướng đảm bảo tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác không thấp hơn trước khi chuyển đổi;

- Quyền lợi học sinh:

  • Khi có kế hoạch chuyển đổi, trường dân lập phải thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết để đảm bảo sự chủ động trong việc tổ chức học tập;

  • Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của học sinh;

  • Từ thời điểm chuyển đổi, trường tư thục duy trì mức đóng học phí của học sinh như trường dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ. Trong học kỳ tiếp theo nhà trường quy định mức đóng học phí của học sinh trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí đào tạo và được xã hội chấp nhận;

  • Trường tư thục thực hiện các chế độ cho học sinh thuộc diện chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Xem chi tiết tại Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 27/12/2008.

Ngọc Tài

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

218 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;