Chứng thực là gì?

Từ sổ hộ khẩu gốc, chúng ta photocoppy ra nhiều bản khác đem tới cơ quan nhà nước nhờ họ xác thực đúng với bản chính và đóng dấu “BẢN SAO”. Hoạt động như vậy được gọi là chứng thực.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Tùy từng loại giấy tờ, văn bản mà chứng thực được thực hiện ở những cơ quan và chủ thể thực hiện khác nhau như:

  • Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng;
  • UBND xã, phường, thị trấn: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài: Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự
  • Phòng công chứng, Văn phòng công chứng: Công chứng viên:

Hoạt động chứng thực bao gồm các công việc sau:

  • Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
  • Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
  • Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Các giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực có giá trị pháp lý như sau:

  • Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản;
  • Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Tiếng nói và chữ viết dùng trong chứng thực hợp đồng, giao dịch là tiếng Việt. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không thông thạo tiếng Việt thì phải có người phiên dịch.

Người thực hiện chứng thực phải bảo đảm trung thực, chính xác, khách quan khi thực hiện chứng thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chứng thực của mình.

 

Xem thêm quy định về chứng thực tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

10677 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;