Chửi bới, miệt thị trên Facebook có vi phạm không?

Ngày nay mạng xã hội đang là công cụ hỗ trợ đắc lực để nhà nhà, người người thay nhau chia sẻ những sở thích, quan điểm hay những câu chuyện đời sống của bản thân, đặc biệt phải kể đến Facebook ngày càng thay đổi diện mạo với tính tương tác cao, bất kỳ một hình ảnh hoặc status trên Facebook cá nhân nào cũng có thể lan rộng đến hàng triệu người dùng facebook khác.

 

Thực tế, những nội dung được đăng tải trên facebook của người dùng hiện nay không chỉ xoay quanh những câu chuyện đời sống, những hình ảnh cá nhân mà còn có những quan điểm sống của mỗi người, thế nhưng có những người lại vô tình lợi dụng nó để đưa ra những lời lẽ, phát ngôn xúc phạm đến các cá nhân, tổ chức khác.

Gần đây nhất là cuộc tranh luận giữa các giám khảo trong một chương trình tài năng âm nhạc, nhiều người trong cuộc đã đăng tải những status trên trang cá nhân để bảo vệ cho quan điểm cá nhân, trong đó nghệ sĩ TL cũng có những lời chia sẻ thẳng thắn trên Facebook, tuy nhiên sau đó nghệ sĩ đã nhận phải những bình luận chỉ trích từ phía dư luận, mạnh tay hơn là dư luận lại bới móc chuyện quá khứ của nghệ sĩ này. Trước tình hình căng thẳng như vậy, con gái nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ mẹ mình, thế nhưng cô cũng vô tình dùng những lời lẽ khá bức xúc để nói về những người đang cố tình chửi bới, bôi nhọ mẹ mình, cô gọi họ là những thành phần “trẻ trâu”, “mất dạy”, rồi việc bới móc quá khứ của người khác và thoá mạ là một trò hèn hạ,… những chia sẻ này của cô đã gây không ít chú ý từ dư luận.

Hình ảnh minh họa

Tình trạng chửi bới, lăng mạ tương tự như vậy xảy ra không chỉ riêng những người nổi tiếng trong giới showbiz mà phổ biến hơn là ở giới trẻ hiện nay. Có lẽ do chế độ mở, công khai của mạng xã hội đã khiến cho người dùng tự do ngôn luận vô tội vạ. Người nói, người viết ra những lời lẽ quá trớn thì nghe sướng tai, gõ sướng tay nhưng người nghe, người nhìn thấy thì cảm thấy ức chế vì bị xúc phạm, thậm chí có người tự tử, gia đình tan nát,...

Hiến pháp 2013 có quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận” thế nhưng công dân không phải vì ỷ thế có quyền mà “thả lỏng” những lời nói của mình ở bất cứ đâu với bất kỳ người nào. Đôi khi việc sử dụng những lời lẽ chửi bới thô tục, xúc phạm đối với một số người là một việc làm hết sức bình thường, tự nhiên và thành thói quen thế nhưng những lời lẽ ấy được đưa lên mạng xã hội thì nó trở nên không còn bình thường nữa. Ông cha ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thế nhưng mạng xã hội giờ đây lời khen thì ít mà chê bai, chửi bởi thì nhiều. Thậm chí nhiều người không ý thức được hành vi chửi bới của mình là vi phạm pháp lụật cho đến khi nạn nhân của những lời lẽ chửi bới đó nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp thì mới tá hỏa.

Hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội căn cứ vào tính chất và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có thể xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Những lời nói thô tục, chửi bới vô văn hóa, phảm cảm được chia sẻ trên mạng xã hội hay chỉ là những bình luận lên tường của người khác nếu xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự 1999 về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân với hình phạt như: Phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, trường hợp phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Bên cạnh đó, nếu người quản lý trang mạng xã hội hay người lập nhóm, lập trang diễn đàn để cho các thành viên ngang nhiên chửi tục trên diễn đàn mà không có sự quản lý chặt chẽ thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 63, Điều 64, Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về hành vi vi phạm về thông tin trên mạng với mức phạt tối thiểu là 5 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng tùy tính chất của hành vi hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với hình phạt như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, nếu nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Facebook hay mạng xã hội đều có tính hai mặt của nó, do đó người sử dụng phải cân nhắc và sang suốt trong việc chia sẻ hay những lời bình luận của mình. Hãy là người tiếp cận công nghệ thông tin văn minh và tinh tế nhé.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3931 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;