Mới đây Bộ LĐTBXH ban hành văn bản đề nghị chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới (Hình từ internet)
Ngày 19/8/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 3844/BLĐTBXH-CBTXH về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Theo đó, thực hiện Công điện 75/CT-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương.
Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, lốc, sét, ngập lụt, xâm nhập mặn, nắng nóng, mưa đá và các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân và cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Khẩn trương khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị chết, bị thương, mất tích do thiên tai theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Trường hợp nguồn lực địa phương không đáp ứng đủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.
- Hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm cung ứng lương thực, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với các hộ bị mất nhà do lũ cuốn, sạt lở đất, hộ nghèo, hộ khó khăn có nguy cơ thiếu đói, tuyệt đối không được để người dân bị đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu khác; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ, thiên tai.
- Thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, kết quả hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Hộ gia đình, cá nhân có quyền sau đây:
+ Tiếp cận thông tin về phòng, chống thiên tai do các cơ quan có thẩm quyền ban hành;
+ Tham gia xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
+ Tham gia chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống thiên tai; nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện cụ thể;
+ Được hoàn trả vật tư, phương tiện; nhận tiền công lao động khi tham gia ứng phó khẩn cấp thiên tai đối với cộng đồng theo lệnh huy động của người có thẩm quyền;
+ Người tham gia ứng phó thiên tai nếu bị thương, bị chết được xem xét, hưởng chế độ, chính sách như đối với thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
+ Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai theo quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ sau đây:
+ Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai;
+ Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương;
+ Tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc điểm thiên tai tại địa phương;
+ Chủ động trang bị thiết bị theo khả năng để tiếp nhận bản tin dự báo, cảnh báo và sự chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống thiên tai;
+ Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để phòng, chống thiên tai;
+ Chủ động dự trữ lương thực, nước uống, vật tư và thiết bị xử lý nước, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch theo khả năng để bảo đảm đời sống khi thiên tai xảy ra phù hợp với đặc thù thiên tai tại địa phương;
+ Chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị thông tin, tín hiệu phù hợp; phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về vị trí, tình trạng của phương tiện đang hoạt động cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra; khi gặp tàu thuyền khác bị nạn phải kịp thời cứu hộ, tìm kiếm, cứu nạn, trường hợp vượt quá khả năng phải bằng mọi cách thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn;
+ Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi thiên tai xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai;
+ Chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm;
+ Chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền;
+ Chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc sau khi bị tác động của thiên tai;
+ Thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền khi phát hiện sự cố hoặc hành vi gây mất an toàn cho công trình phòng, chống thiên tai và tham gia xử lý sự cố công trình trong khả năng của mình;
+ Cung cấp thông tin về diễn biến thiên tai, thiệt hại do thiên tai cho cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi nhận biết của mình;
+ Cá nhân có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của Chính phủ; chủ động giúp đỡ người bị thiệt hại do thiên tai tại địa phương.
(Điều 34 Luật Phòng chống thiên tai 2013)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |