Chính sách ưu đãi khi đầu tư cho cơ sở xử lý chất thải rắn

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành T Thông tư 121/2008/TT-BTC hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn.

Ưu đãi khi đầu tư cho quản lý chất thải rắn, Thông tư 121/2008/TT-BTC.

Chính sách ưu đãi khi đầu tư cho quản lý chất thải rắn (Ảnh minh họa)

Theo đó, Thông tư 121/2008/TT-BTC quy định chính sách ưu đãi khi đầu tư cho cơ sở xử lý chất thải rắn như sau:

Ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí giải phóng mặt bằng

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện hướng dẫn tại khoản 1 Mục này được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước cho thuê đất.

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện hướng dẫn tại khoản 1 Mục này được Nhà nước xem xét, hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư như sau:

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn có nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định (nếu có) theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được hạch toán vào vốn đầu tư của dự án.

  • Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy mô, tính chất quan trọng của cơ sở xử lý chất thải rắn và khả năng ngân sách địa phương để xem xét, quyết định hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn phải bỏ ra để giải phóng mặt bằng.

  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn không phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; trường hợp đã chi trả thì được được hạch toán vào vốn đầu tư của dự án.

Hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, năng lượng; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống cấp nước, thoát nước đến chân hàng rào công trình.

- Hỗ trợ đầu tư từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Các cơ sở xử lý chất thải rắn được ưu tiên thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và được áp dụng cơ chế tài chính như đối với các dự án xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải rắn đô thị quy định tại Thông tư số 108/2003/TT-BTC ngày 07/11/2003 và Thông tư số 08/2008/TT-BTC ngày 20/01/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng đối với các dự án vệ sinh môi trường sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Hỗ trợ đầu tư bằng nguồn tín dụng ưu đãi: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn được hỗ trợ về tín dụng theo các hình thức vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương (nếu có) nếu có đủ điều kiện đối với từng hình thức hỗ trợ. Việc hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ của tổ chức cho vay.

Ưu đãi về thuế

- Ưu đãi về thuế nhập khẩu:

  • Trang thiết bị nhập khẩu để hình thành tài sản cố định của cơ sở xử lý chất thải rắn được miễn thuế nhập khẩu.

  • Nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của cơ sở xử lý chất thải rắn được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi cơ sở xử lý chất thải rắn bắt đầu hoạt động.

  • Hồ sơ, thủ tục miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Cơ sở xử lý chất thải rắn có đủ điều kiện được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn

- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn thông qua các chương trình và dự án khoa học công nghệ.

- Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng kinh phí thực hiện đề án nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do cơ sở thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan khoa học thực hiện.

Hỗ trợ đào tạo lao động

- Chi phí đào tạo khi cử người lao động đi học tập (do cơ sở xử lý chất thải rắn trả lương) được tính vào chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở kế hoạch đào tạo để chuẩn hoá kiến thức cơ bản cho người lao động tại các cơ sở xử lý chất thải rắn, Uỷ ban nhân dân các cấp tuỳ theo khả năng ngân sách của địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các đối tượng này theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường và văn bản hướng dẫn.

Xem chi tiết tại Thông tư 121/2008/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 14/01/2009.

Ngọc Tài

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

166 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;