Liệt sĩ là những người đã hi sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ. Vì sứ mệnh cao cả, họ ra đi để lại những người thân yêu là cha mẹ, là vợ/chồng, là anh/em…Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chính sách ưu đãi đối với những thân nhân này của các vị liệt sĩ?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, Khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi năm 2012 thì các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm:
Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử;
Trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của 01 liệt sĩ, thân nhân của 02 liệt sĩ, thân nhân của 03 liệt sĩ trở lên đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng;
Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;
Khi báo tử, liệt sĩ không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng "Tổ quốc ghi công" được hưởng khoản trợ cấp tiền tuất một lần như đối với thân nhân liệt sĩ. Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần;
Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua BHYT; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi 2012;
Cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe 02 năm một lần. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp;
Con liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.
Cùng với các chế độ ưu đãi nêu trên, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở địa phương còn có trách nhiệm thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà thân nhân liệt sĩ, nhất là vào dịp Lễ Tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối thân nhân liệt sĩ được quy định như sau:
Thân nhân của 01 liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng 01 lần mức chuẩn;
Thân nhân của 02 liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng 02 lần mức chuẩn;
Thân nhân của 03 liệt sĩ trở lên được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng 03 lần mức chuẩn;
Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng 01 lần mức chuẩn;
Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng mà chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 03 tháng trợ cấp ưu đãi.
Theo quy định tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP, mức chuẩn được áp dụng từ ngày 01/7/2018 là 1.515.000 đồng.
Pháp luật quy định chi tiết về chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ tại Điều 21 Nghị định 31/2013/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH. Theo đó, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm 01 lần, mức trợ cấp là 500.000 đồng.
Trường hợp liệt sĩ có nhiều con thì người thờ cúng liệt sĩ là một người con được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền;
Trường hợp con liệt sĩ có nguyện vọng giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người thờ cúng là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền;
Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền;
Trường hợp người thờ cúng liệt sĩ chết trong năm nhưng trước thời điểm chi trả trợ cấp thì trợ cấp thờ cúng liệt sĩ của năm đó được chi trả cho người thờ cúng khác được ủy quyền.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |