Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Chính  phủ  cho  ý  kiến  về  dự  án  Luật  Ban  hành  văn  bản  quy  phạm  pháp  luật  (sửa  đổi)

Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (Hình từ internet)

Ngày 22/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024.

Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về tiến độ và chất lượng xây dựng thể chế, kịp thời đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những vấn đề cấp bách, phát sinh, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là yêu cầu tại Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định 178-QĐ/TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng cần có không gian mở, có tính kiến tạo để phát huy tư duy sáng tạo của Nhân dân, của người làm công tác xây dựng pháp luật.

- Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp, các Luật về tổ chức bộ máy (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương); bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật về tổ chức bộ máy.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác xây dựng pháp luật, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; cắt giảm tối đa thủ tục không cần thiết, làm chậm tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước nói chung, xây dựng pháp luật nói riêng.

- Nghiên cứu, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nguyên tắc xây dựng văn bản luật phải vừa bảo đảm tính cụ thể để thực hiện ngay đối với các vấn đề đã rõ, có tính ổn định cao, vừa bảo đảm tính linh hoạt, có thể điều chỉnh nhanh đối với các vấn đề có tính biến động, chưa ổn định, cần điều chỉnh trong quá trình áp dụng pháp luật; ngôn ngữ pháp luật phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, không để hiểu theo nhiều cách khác nhau.

- Đánh giá tác động các chính sách một cách kỹ lưỡng, bổ sung thêm các phương án, giải pháp chính sách, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả.

- Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy của Việt Nam.

- Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

- Về chính sách 1: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của Chính sách; Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ phù hợp, (Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ), bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định chính sách cụ thể trong một số trường hợp cần thiết, cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

- Về chính sách 2: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách; Bộ Tư pháp rà soát để cắt giảm hơn nữa các thủ tục phức tạp, không phù hợp, không cần thiết. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quân sự, an ninh, cơ yếu, bảo đảm kịp thời, phù hợp với đặc thù lực lượng vũ trang và cơ yếu. Để bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu, bảo đảm quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy trình xây dựng luật; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình rút gọn để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; nghiên cứu, quy định người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, không phải xin ý kiến cấp trên và cơ quan khác như quy định hiện hành về việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Về chính sách 3: Tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của Chính sách; giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nội dung về tổ chức bộ máy, tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, các nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ nội dung đánh giá tác động của chính sách, nhất là nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật (xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật “thông minh”, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kinh phí thuê chuyên gia, tư vấn độc lập trong công tác xây dựng pháp luật...) nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho công tác tổ chức, thi hành pháp luật để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống.

- Về 02 nội dung xin ý kiến Chính phủ:

+ Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ:

Chính phủ ban hành Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các trường hợp cá biệt, phạm vi hẹp, trong một thời gian nhất định.

Chính phủ thống nhất giữ nguyên quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị định thí điểm một số nội dung khác với nghị định hiện hành áp dụng cho đối tượng cụ thể, vụ việc cụ thể trong một thời gian nhất định; quá trình xây dựng nghị định có thể gộp nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong một nghị định để đơn giản hóa thủ tục, dễ làm, dễ thực hiện.

Đối với nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ chủ động ban hành nghị định quy định những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội. Chính phủ thống nhất giữ quy định tại khoản 3 Điều 19; giao Bộ Tư pháp nghiên cứu để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành.

+ Về thực hiện quy trình 02 giai đoạn (xây dựng chính sách và soạn thảo) trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Chính phủ cơ bản thống nhất đề xuất của Bộ Tư pháp; cân nhắc chỉ áp dụng quy trình 02 giai đoạn đối với các dự án luật mới. Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu bổ sung các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và quy định rõ trình tự, thủ tục rút gọn đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 148/NQ-CP ban hành ngày 22/9/2024.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;