Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng công an nhân dân, ban hành ngày 26/3/2020.
Chỉ tiến hành lấy lời khai của người bị tố giác nếu vụ việc đơn giản, rõ ràng (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 5 Thông tư này Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an tiến hành phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định (tại khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2017). Riêng đối với Công an xã chưa được bố trí lực lượng chính quy khi lấy lời khai ban đầu được tiến hành lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại, chỉ tiến hành lấy lời khai của người bị tố giác trong trường hợp vụ việc đơn giản, rõ ràng hoặc trong trường hợp cần thiết, cấp bách. Trách nhiệm xử lý của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tiến hành lập Biên bản bắt người phạm tội quả tang theo mẫu số 54 (ban hành kèm theo Thông tư 61/2017); Trạm Công an lập Biên bản tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang theo mẫu số 55 (ban hành kèm theo Thông tư 61/2017); kiểm tra giấy tờ tùy thân, đồng thời thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội, tạm giữ vũ khí, hung khí (nếu có), và tiến hành bảo quản theo quy định của pháp luật không để mất mát, hư hỏng, biến dạng (việc thu giữ, tạm giữ phải được ghi rõ vào biên bản); cử người bảo vệ hiện trường; tiến hành lấy lời khai ban đầu, sau đó báo ngay Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết hoặc áp giải ngay người bị bắt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ việc để giải quyết;
Trường hợp người phạm tội đến tự thú thì tiến hành lập Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra tự thú/đầu thú (mẫu số 16 ban hành kèm theo Thông tư 61/2017) và ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở của người tự thú; ghi lời khai của người tự thú, kiểm tra giấy tờ tùy thân, đồng thời thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội; tạm giữ vũ khí, hung khí (nếu có), và tiến hành bảo quản theo quy định không để mất mát, hư hỏng, biến dạng (việc thu giữ, tạm giữ phải được ghi rõ vào biên bản), sau đó báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết hoặc áp giải ngay người tự thú đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện để giải quyết;
Trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc hành vi phạm tội diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện trên địa bàn mình thì thực hiện theo điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
Trường hợp tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm khác, sau khi xác minh sơ bộ ban đầu nếu xác định hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ đến mức phải xử lý vi phạm hành chính thì thu thập tài liệu theo đúng trình tự quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của mình thì tiến hành xử phạt, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển hồ sơ vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt theo quy định của pháp luật; trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp hành chính thì lập hồ sơ chuyển cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
Trường hợp bắt, tiếp nhận người đang bị truy nã, người phạm tội đầu thú thì thực hiện theo quy định tại Điều 112, Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chi tiết nội dung xem tại Thông tư 28/2020/TT-BCA, có hiệu lực từ 15/5/2020.
Lê Vy
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |