Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025

Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025
Quế Anh

Dưới đây là chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025.

Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025 (Hình từ internet)

Ngày 27/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.

Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025

Theo đó, Điều 44 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia hoạt động phòng không nhân dân như sau: 

- Người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động làm nhiệm vụ phòng không nhân dân tại địa phương, cơ quan, tổ chức được hưởng nguyên lương, các loại phụ cấp hiện hưởng và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.

- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được Nhà nước chi trả tiền công lao động theo ngày huy động đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng, trường hợp không có thu nhập ổn định thì đảm bảo không thấp hơn mức thu nhập trung bình tại địa phương và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.

- Trong thời gian huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân, nếu bị thương được xem xét giải quyết chính sách thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp bị ốm, đau, tai nạn hoặc chết trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nếu không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ.

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động phòng không nhân dân có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại sức khỏe, thiệt hại tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

- Chủ sở hữu tài sản sử dụng vào hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình được bồi thường khi tài sản bị thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nguồn lực cho hoạt động phòng không nhân dân từ 01/7/2025

Nguồn lực cho hoạt động phòng không nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 43 Luật Phòng không nhân dân 2024 như sau: 

- Nguồn tài chính cho hoạt động phòng không nhân dân bao gồm:

+ Ngân sách nhà nước;

+ Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân;

+ Nguồn tài chính hợp pháp khác.

- Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước bao gồm:

+ Ngân sách trung ương bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân cấp trung ương, các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;

+ Ngân sách địa phương bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân của địa phương. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức chi cho các hoạt động phòng không nhân dân cao hơn định mức chi chung theo quy định của pháp luật. 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền đề án, dự án về phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và dự toán ngân sách cho hoạt động phòng không nhân dân; đối với địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.

- Tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm kinh phí cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo kế hoạch của mình. Doanh nghiệp bảo đảm kinh phí cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân tại doanh nghiệp hoặc ủng hộ, tài trợ cho phòng không nhân dân được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi đó.

- Đối với địa phương khó khăn về ngân sách được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương.

Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;