Cắt giảm lao động là gì?

Cắt giảm lao động là hoạt động của người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhằm làm giảm bớt số lượng người lao động hiện có trong doanh nghiệp, hợp tác xã vì một số lý do như: Thay đổi cơ cấu, công nghệ, lý do kinh tế hoặc cắt giảm lao động do dôi dư sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành hợp nhất, chia, tách, sáp nhập.

 

Thỉnh thoảng trên các phương tiện thông tin báo chí, truyền thông đưa tin một số doanh nghiệp vì một lý do nào đó mà tiến hành cắt giảm lao động, cho nghỉ việc nhiều người lao động cùng một lúc. Vậy thuật ngữ cắt giảm lao động được hiểu như thế nào? Và trong trường hợp nào việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ rơi vào cắt giảm lao động.

Khái niệm về cắt giảm lao động thực sự chưa được quan tâm và làm rõ, dẫn chứng là nó được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Hiện nay chỉ có 19 văn bản sử dụng thuật ngữ “cắt giảm lao động", trong đó: Công văn (6 văn bản), báo cáo (5 văn bản), quyết định (5 văn bản), nghị quyết (1 văn bản), kế hoạch (1 văn bản) và Thông báo (1 văn bản) của các cơ quan nhà nước như văn phòng chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội,… v.v

 

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, khái niệm cắt giảm lao động được hiểu như sau:

Cắt giảm lao động là hoạt động của người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhằm làm giảm bớt số lượng người lao động (NLĐ) hiện có trong doanh nghiệp, hợp tác xã vì một số lý do như do thay đổi cơ cấu, công nghệ, lý do kinh tế hoặc cắt giảm lao động do dôi dư sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành hợp nhất, chia, tách, sáp nhập.

Các trường hợp được xem là cắt giảm lao động bao gồm:

  • Cắt giảm lao động khi thay đổi cơ cấu, công nghệ
  • Cắt giảm lao động vì lý do kinh tế
  • Cắt giảm lao động sau sự kiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong trường hợp cắt giảm lao động có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, cắt giảm lao động là một trường hợp chấm dứt HĐLĐ

Việc giảm bớt, cắt bớt số lượng NLĐ hiện có của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chấm dứt một hoặc một số HĐLĐ hiện có của doanh nghiệp.

Các quy định cắt giảm lao động (Điều 44, 45) cũng thuộc Mục 3, Chương 3 Bộ luật Lao động 2012 về các quy định chấm dứt HĐLĐ.

Thứ hai, cắt giảm lao động là hành vi của NSDLĐ thực hiện

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, NSDLĐ phải xây dựng phương án sử dụng NLĐ sao cho hợp lý, đạt được hiệu quả cao nhất nhằm giảm chi phí phải chi trả cũng như tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình. Nếu doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh có gặp khó khăn về kinh tế, hay quyết định thay đổi cơ cấu công nghệ để tăng năng suất lao động thì việc giữ lại số NLĐ như cũ không thay đổi sẽ gây khó khăn và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc cắt giảm lao động phụ thuộc vào các quy định của pháp luật lao động và ý chí của NSDLĐ trong từng trường hợp cụ thể.

Thứ ba, việc cắt giảm lao động tạo ra hệ quả pháp lý đa dạng

Nếu việc cắt giảm lao động tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật thì quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ sẽ chấm dứt. Nếu doanh nghiệp cắt giảm lao động trái với quy định của pháp luật lao động thì quan hệ lao động có được tiếp tục duy trì hay không phụ thuộc vào việc NLĐ có muốn tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp hay không và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả một số các khoản tiền như tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc,… Như vậy, có thể xem việc cắt giảm lao động tạo ra hệ quả pháp lý đa dạng, tùy thuộc vào từng trường hợp sẽ có những kết quả khác nhau.

Thứ tư, cắt giảm lao động đa phần sẽ tác động đến nhiều người lao động hơn so với các trường hợp chấm dứt HĐLĐ khác

Đối với các trường hợp chấm dứt HĐLĐ khác trong một trường hợp cụ thể thường chỉ có tác động lên 1 NLĐ. Tuy nhiên, việc cắt giảm lao động được thực hiện thông qua các quyết định của NSDLĐ như: Quyết định chia tách doanh nghiệp, Quyết định giảm quy mô sản xuất của doanh nghiệp,… sau những quyết định này, doanh nghiệp sẽ tiến hành lên phương án sử dụng lao động và cắt giảm lao động dôi dư sau những quyết định và phương án trên. Khi đó, đa phần là số lượng người lao động bị cắt giảm là số nhiều nên có thể nói rằng trường hợp cắt giảm lao động sẽ gây tác động đến nhiều người lao động hơn so với các trường hợp chấm dứt HĐLĐ khác.

Thứ năm, việc cắt giảm lao động đúng pháp luật sẽ chấm dứt quan hệ lao động của các chủ thể trong HĐLĐ

Đây là một đặc điểm chung cơ bản của các trường hợp chấm dứt HĐLĐ, nếu việc cắt giảm lao động thuộc các trường hợp lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ, chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, hợp tác xã mà pháp luật lao động quy định, khi chấm dứt HĐLĐ quan hệ lao động giữa các chủ thể là NSDLĐ và người lao động trong HĐLĐ sẽ chấm dứt.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2784 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;