Chính phủ vừa có chỉ đạo gì về đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024?
Cần thiết xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi (Hình từ internet)
Nội dung đề cập tại Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 09/02/2024 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024 do
Cụ thể, đối với nội dung đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật này, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm nguyên tắc Hiến định: mọi bản án, quyết định của Tòa án được tôn trọng và bảo đảm thi hành; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thi hành hiệu quả; bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng: đáp ứng các yêu cầu về thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; rà soát, kế thừa những quy định hiện hành còn phù hợp, bổ sung các quy định để xử lý bất cập, vướng mắc; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cấp dưới; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thi hành án, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt nam về mô hình cơ quan thi hành án dân sự; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn liên quan đến thi hành án dân sự; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Về các chính sách cụ thể, Chính phủ yêu cầu:
- Thống nhất việc bổ sung phạm vi bản án, quyết định do cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bao gồm: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hình phạt tiền, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật hình sự và Luật Thi hành án hình sự. Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ về sự cần thiết ban hành, tên gọi và nội dung chính sách;
- Đánh giá tác động kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chỉnh lý nội dung chính sách về nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm thực hiện được trong thực tế, góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; nghiên cứu, quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án; bảo đảm nguyên tắc mọi bản án, quyết định của Tòa án phải được tôn trọng và thi hành;
- Thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các quy định liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự, bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; đánh giá tác động kỹ lưỡng về tiêu chí để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi hơn trong tổ chức thi hành án; không quy định vấn đề tổ chức tại các luật không phải là Luật về tổ chức, bộ máy;
- Đánh giá tác động kỹ lưỡng nội dung quy định “đặc thù” về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về vấn đề này trên nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp cơ quan thi hành án không giải quyết, giải quyết không đúng quy định của pháp luật;
- Tổng kết, đánh giá, xác định rõ các bất cập hiện hành liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng của Chấp hành viên; trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về chế độ, chính sách đối với Chấp hành viên, bảo đảm thống nhất quy định pháp luật hiện hành; tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, chỉnh lý thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ và Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV).
Giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật này.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |