Cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ

Cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ
Quế Anh

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin mới nhất về cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ.

Cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ (Hình từ internet)

Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ

Theo đó, tại Điều 7 Quy định 183-QĐ/TW năm 2024 nêu rõ các biện pháp bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án như sau: 

(1) Bảo vệ vị trí công tác, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn

- Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không được phép yêu cầu người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án thực hiện những công việc vượt quá phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án có quyền từ chối yêu cầu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc bố trí người thi hành công vụ thực hiện những công việc ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc gây ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư, khách quan khi thi hành công vụ.

- Việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, bố trí công tác khác, tạm đình chỉ công tác, tạm dừng thực hiện nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương, tước danh hiệu đối với người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án không được trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.

Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, bố trí công tác khác, tạm đình chỉ công tác, tạm dừng thực hiện nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương, tước danh hiệu khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ.

- Trường hợp bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm dừng, kéo dài việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương, nâng ngạch do bị trả thù, trù dập hoặc do bị phản ánh, tố cáo, tố giác bịa đặt, sai sự thật, được cấp có thẩm quyền kết luận, thì được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương, nâng ngạch và thời gian được tính từ ngày bị tạm dừng, kéo dài.

- Trường hợp cấp có thẩm quyền kết luận người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án bị kỷ luật oan, sai do bị trả thù, trù dập hoặc do bị phản ánh, tố cáo, tố giác bịa đặt, sai sự thật, thì cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải hủy bỏ, thu hồi hoặc thay đổi quyết định kỷ luật cho phù hợp; 

Xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ, chức danh hoặc vị trí công tác, chức vụ tương đương hoặc xem xét bố trí công tác khác theo nguyện vọng của người thi hành công vụ; tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi các quyền lợi đã bị ảnh hưởng và bồi thường thiệt hại theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Trường hợp bị xử lý hình sự oan, sai đã được toà án quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật hoặc được cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải kịp thời xem xét lại các quyết định kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án, kể cả trường hợp đã chết; tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi các quyền lợi đã bị ảnh hưởng và bồi thường thiệt hại theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời xem xét, truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

(2) Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và bí mật, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân

- Trường hợp người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án bị xúc phạm, gây tổn hại uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc bị xâm phạm bí mật, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh, phong toả, làm rõ sự thật và chỉ đạo ngăn chặn, khắc phục, cải chính, gỡ bỏ, loại bỏ tác động tiêu cực, buộc xin lỗi công khai và các biện pháp bảo vệ khác; đồng thời xem xét, truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Khi giải quyết các vụ án, vụ việc có mức độ nguy hiểm cao, nếu người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án đề nghị thì tùy trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật danh tính của người thi hành công vụ và người thân của họ; bảo mật, hạn chế việc truy cập, tiếp cận thông tin, dữ liệu cá nhân của người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án, cùng các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân khác.

(3) Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án

- Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết khác; người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền lợi, uy tín, danh dự khi bị các hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm liên quan đến việc thực thi công vụ của người thi hành công vụ.

- Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ sau:

+ Bố trí lực lượng bảo vệ, tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt các hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm.

+ Trang bị cho người thi hành công vụ vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để thực hiện các biện pháp tự bảo vệ trong trường hợp cần thiết. Việc cấp vũ khí, công cụ hỗ trợ được thực hiện theo đề nghị của người thi hành công vụ và trên cơ sở xem xét tình hình thực tiễn, nguy cơ xâm phạm đối với người thi hành công vụ và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

+ Áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không cho các đối tượng có liên quan tiếp cận; giữ bí mật, thay đổi các thông tin, dữ liệu liên quan đến người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ; đồng thời di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, thay đổi tung tích, đặc điểm nhận dạng nếu cần thiết.

+ Xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm.

- Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được hưởng các chế độ, chính sách chăm sóc sức khỏe, y tế, khám, chữa bệnh định kỳ theo quy định; được xem xét hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi như thương binh, liệt sĩ và các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật nếu bị tổn hại tính mạng, sức khoẻ trong khi thi hành công vụ; được bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác tương xứng với tính chất, mức độ rủi ro nghề nghiệp. 

Trường hợp bị thiệt hại về vật chất, tinh thần và các quyền, lợi ích hợp pháp khác thì được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Khi giải quyết các vụ án, vụ việc có mức độ nguy hiểm cao, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án cần áp dụng các biện pháp cần thiết quy định tại Điểm b, khoản 3 Điều 7 Quy định 183-QĐ/TW năm 2024 để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

(4) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án sẽ được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;