Thực tế có rất nhiều gia đình sống tại các chung cư có sở thích nuôi chó, mèo để làm cảnh, giải trí và họ cũng xem chúng như một người bạn, người thân của mình. Do đó việc đặt ra quy định cấm nuôi chó, mèo ở chung cư khiến cho không ít những người yêu thích chó, mèo phản đối.
Nghiêm cấm chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD là một quy định khá chung chung, chưa cụ thể.
- Thứ nhất, quy định chỉ ra việc cấm nuôi gia súc, gia cầm nói chung chứ không nói rõ là nuôi chó, mèo. Khái niệm gia súc được hiểu là những loài động vật có vú được nuôi vì mục đích sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, cung cấp thực phẩm, chất xơ hoặc lao động. Mặc dù chó, mèo cũng là động vật có vú nhưng từ lâu con người đã không coi chúng là gia súc mà là vật nuôi trong nhà, là thú cưng.
- Thứ hai, hiện nay chưa có chế tài cụ thể nào để xử lý triệt để cho hành vi vi phạm này.
Do đó không tránh khỏi những bất cập và khó áp dụng trong thực tiễn hiện nay.

Về mặt tích cực, quy định cấm nuôi chó, mèo ở khu chung cư là nhằm mục đích đảm bảo trật tự và vệ sinh nơi công cộng, Ban quản lý nhà chung cư có thể căn cứ vào quy định này để tham khảo và thống nhất đưa vào nội quy sử dụng nhà chung cư chứ không thể khắt khe “cấm” ở mọi lúc, mọi nơi với tất cả mọi trường hợp.
Theo đó, quy định “cấm” nuôi chó, mèo phụ thuộc vào sự linh động của mỗi khu chung cư. Nếu cấm hoàn toàn thì Ban quản lý khu chung cư phải “cấm” ngay từ đầu cũng như đưa ra chế tài xử phạt cụ thể. Nếu không cấm thì nên nhắc nhở đến người dân về ý thức tự giác giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi công cộng.
Còn những hộ gia đình nuôi chó, mèo phải “dạy dỗ” thú cưng của mình ngay từ nhỏ, luôn đặt hàng đầu về ý thức giữ yên lặng và vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng (kể cả phòng bệnh, chữa bệnh) và vệ sinh khu vực mình sinh sống.
Đặc biệt chủ vật nuôi phải tuân thủ quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT như sau:
- Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
- Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã phải:
- Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:
- Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi;
- Số lượng chó nuôi;
- Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại.
- Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
- Có quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
- Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách;
- Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY