Cầm đồ hợp pháp khác gì với cho vay nặng lãi

Khái niệm cầm đồ không phải là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ trong cuộc sống của chúng ta. Khi nhắc tới cầm đồ, nhiều người trong chúng ta sẽ liên tưởng tới hình thức cho vay nặng lãi. Nhưng ít ai biết rằng, khác với “tội cho vay lãi nặng” là một hành vi bị cấm theo Bộ Luật hình sự, cầm đồ hay còn gọi là dịch vụ cầm đồ là một hình thức kinh doanh có điều kiện được pháp luật công nhận và điều chỉnh.

 Dịch vụ cầm đồ lần đầu tiên được thừa nhận là hình thức kinh doanh có điều kiện mà doanh nghiệp được phép kinh doanh quy định tại Khoản 9.1b Điều 9 Nghị định 02/CP năm 1995. Sau đó, tại Thông tư liên bộ 02TT/LB ban hành ngày 03 tháng 10 năm 1995, hướng dẫn Nghị định 02/CP, khái niệm dịch vụ cầm đồ lần đâu tiên được đề cập tới. Theo đó:

  • Dịch vụ cầm đồ là hình thức cho vay tiền đòi hỏi người vay phải có tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình ghi trong hợp đồng cầm đồ. Người vay tiền có tài sản cầm cố gọi là Bên cầm đồ; người cho vay tiền nhận tài sản cầm cố gọi là Bên nhận cầm đồ.
  • Tài sản cầm cố là động sản, có giá trị và giá trị sử dụng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bên cầm đồ có thể mua, bán hoặc chuyển quyền sở hữu.

Thông tư trên cũng quy định về tiền vay cầm đồ và lãi suất của dịch vụ cầm đồ như sau:

Mức tiền vay cầm đồ không quá 65% giá trị tài sản cầm cố, tính theo thời giá khi ký hợp đồng. Riêng các chứng từ có giá, vàng, đá quý, nếu được Bên nhận cầm đồ chấp nhận thì có thể được vay tối đa bằng 80% giá trị của tài sản đó.
Lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ: tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.

Theo quy định hiện hành, để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, doanh nghiệp phải đáp ứng điều quy định tại Điều 4 Nghị định 72/2009/NĐ-CP, với nội dung:

Điều kiện kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự:

  1. Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và người đại diện hợp pháp theo pháp luật của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này.
  2. Cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.
  3. Chỉ các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở trong nước mới được sản xuất con dấu. Chỉ các cơ sở của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân mới được sản xuất, kinh doanh sửa chữa công cụ hỗ trợ và sửa chữa súng săn.
  4. Địa điểm kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn Nghị định trên, Điểm I Khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA cũng có quy định:
i) Dịch vụ cầm đồ

  • Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.
  • Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
  • Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.
  • Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. 

 Mặt khác, quy định hiện hành không còn quy định cụ thể về lãi suất đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ như ở thông tư 02TT/LB nữa mà lãi suất được quy định chung đối với các hoạt động cho vay, hợp đồng cho vay và các giao dịch dân sự khác về lãi suất theo đó: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Tuy nhiên điều này nằm trong mục 4 quy định về "hợp đồng vay tài sản”( Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005).
Do đó, khi vượt quá mức lãi suất quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có thể bị truy cứu hình sự với tội danh cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 Bộ Luật Hình sự 1999, theo đó:

  1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ  mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
  2. Phạm tội  thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng  đến ba năm.
  3. Người phạm tội  còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài ra, hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc (cá độ đá bóng cũng được coi là đánh bạc) có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điểm d Khoản 3 Điều 26 Nghị 167/2013/NĐ-CP).
 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

11376 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;