Cách tính mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn từ 01/7/2024 được quy định tại Quyết định 09/2024/QĐ-TTg.
Cách tính mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn (Hình từ Internet)
Ngày 01/7/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 09/2024/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, công thức xác định mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn được quy định tại Điều 5 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg như sau:
Mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó được xác định theo công thức:
MCTDTĐ = TMDN + ĐN
Trong đó:
- MCTDTĐ là mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn;
- TMDN là tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo;
- ĐN là số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.
Trong công thức trên, TMDN và ĐN được xác định như sau:
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo (TMDN) được tính vào mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó tại tổ chức tín dụng tại thời điểm báo cáo, bao gồm:
+ Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đã cấp trong giới hạn cho phép thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng;
+ Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các khoản cấp tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn còn hiệu lực tính đến thời điểm báo cáo.
- Đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận (ĐN): Số tiền đề nghị mới được tính vào mức cấp tín dụng tối đa là tổng số tiền của các khoản tín dụng mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn.
Thủ tục xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn
Bước 1: Tổ chức tín dụng gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của tổ chức tín dụng:
Trường hợp hồ sơ của tổ chức tín dụng không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng trong đó ghi rõ các điều kiện mà tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được;
Trường hợp hồ sơ của tổ chức tín dụng đã hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật - pháp lý của dự án, phương án và khách hàng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị mình gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu tổ chức tín dụng, khách hàng giải trình về các vấn đề có liên quan (nếu có).
Bước 4: Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoặc ý kiến giải trình của tổ chức tín dụng, khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn do tổ chức tín dụng cung cấp:
Trường hợp hồ sơ của tổ chức tín dụng không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định 09/2024/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng trong đó ghi rõ các điều kiện mà tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được;
Trường hợp hồ sơ của tổ chức tín dụng đã hợp lý, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng.
Bước 5: Căn cứ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |