Cách mạng Công nghiệp 4.0 là khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, nhắc đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nhắc đến cuộc cách mạng số, ở đây sẽ có sự thay đổi mới mẻ, tích cực và hiện đại về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông. Vậy khái niệm này được hiểu như thế nào?
Theo từ điển Wikipedia, Công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu hiện tại trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, mạng lưới vạn vật kết nối Internet và điện toán đám mây.
Công nghiệp 4.0 tạo ra cái gọi là "nhà máy thông minh", có cấu trúc kiểu mô-đun, các hệ thống vật lý trực tuyến giám sát các quy trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý và đưa ra các quyết định phân cấp. Qua Internet of Things, các hệ thống không gian mạng-vật lý truyền thông và hợp tác với nhau và với con người trong thời gian thực, và thông qua Internet of Services, cả các dịch vụ nội bộ và tổ chức giữa các bên tham gia chuỗi giá trị được cung cấp và sử dụng.
Phải nói rằng, lịch sử con người đã chứng kiến và trải qua các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn như:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) với việc phát minh ra động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại
Cụm từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư) bắt nguồn từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013 với cách hiểu là chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Đến 01/2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên cùng với ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm…Nhưng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì lực lượng lao động có thể bị đe dọa nghiêm trọng và trong tương lai, người dân có thể mất việc làm. Như vậy, cách mạng công nghiệp lần 4 chính là cơ hội lớn cho các quốc gia trên thế giới song cũng chứa đựng thách thức cho nhân loại.
Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới đây, để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.
Tổng hợp
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |