Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Trần Thanh Rin

Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân là nội dung được đề cập tại Thông tư 12/2023/TT-BKHCN ngày 30/6/2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 12/2023/TT-BKHCN ngày 30/6/2023 quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

1. Thế nào là sự cố bức xạ và hạt nhân?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 12/2023/TT-BKHCN, sự cố bức xạ và hạt nhân (sau đây gọi tắt là sự cố) là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

2. Các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 12/2023/TT-BKHCN, cụ thể như sau:

- Kiểm soát được diễn biến sự cố và giảm thiểu hậu quả;

- Bảo vệ tính mạng con người;

- Phòng tránh hoặc giảm thiểu hiệu ứng tất định nghiêm trọng;

- Cung cấp cốc biện pháp cứu trợ ban đầu và điều trị nạn nhân;

- Giảm thiểu rủi ro của hiệu ứng ngẫu nhiên;

- Cung cấp thông tin và bảo đảm niềm tin của công chúng;

- Ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra hậu quả phi phóng xạ đối với cá nhân và công chúng;

- Giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và môi trường;

- Tạo tiền đề thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố lâu dài và cho việc lập kế hoạch chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.

(Hiện hành tại Thông tư 25/2014/TT-BKHCN quy định về các yêu cầu đối với hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân như sau:

- Kiểm soát được diễn biến sự cố;

- Ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả tại hiện trường;

- Ngăn chặn khả năng xảy ra hiệu ứng sinh học tất định đối với nhân viên ứng phó và công chúng;

- Cung cấp các biện pháp cứu trợ ban đầu và điều trị nạn nhân;

- Giảm thiểu khả năng xảy ra hiệu ứng sinh học ngẫu nhiên ảnh hưởng đến sức khoẻ của công chúng;

- Ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra hậu quả phi phóng xạ đối với cá nhân và công chúng;

- Giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và môi trường;

- Tạo tiền đề thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố lâu dài và cho việc lập kế hoạch chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.)

3. Các nguyên tắc của công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân phải tuân theo các nguyên tắc sau:

- Hành động bảo vệ phải bảo đảm mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại do hành động đó gây ra;

- Hình thức, phạm vi và khoảng thời gian áp dụng các hành động bảo vệ phải tối ưu để lợi ích thực tế đạt được là tối đa;

- Kế hoạch ứng phó sự cố được xây dựng phải bảo đảm việc ứng phó sự cố được tiến hành kịp thời, được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia;

- Phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó rõ ràng; chỉ đạo trong ứng phó sự cố theo nguyên tắc tập trung thống nhất;

- Chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đồng bộ với việc chuẩn bị ứng phó sự cố khác.

(Khoản 1 Điều 3 Thông tư 12/2023/TT-BKHCN)

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân

Theo Điều 8 Luật năng lượng nguyên tử 2008, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

- Tổ chức việc khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và việc cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo thẩm quyền;

- Thẩm định và tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

- Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, tạm dừng công việc bức xạ theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, vận hành nhà máy điện hạt nhân khi phát hiện các yếu tố không an toàn;

- Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân theo quy định của pháp luật;

- Tham gia ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo thẩm quyền;

- Xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

- Tổ chức và phối hợp tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

- Tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Thông tư 12/2023/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2023 và thay thế Thông tư 25/2014/TT-BKHCN.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

703 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;