Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Thông tư 12/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản.
Cụ thể, đối với các trường hợp cá biệt sau đây, việc xuất khẩu khoáng sản được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 12/2016/TT-BCT như sau:
Đối với khoáng sản chuyển ra nước ngoài để phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ: Doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ Công Thương, kèm theo hồ sơ liên quan: Báo cáo về sự cần thiết phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ; Phương án xử lý đối với sản phẩm sau khi nghiên cứu, thử nghiệm; Hợp đồng hoặc văn bản hợp tác nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao công nghệ; Hồ sơ chứng minh nguồn gốc khoáng sản.
Các trường hợp sau đây Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Sản phẩm khoáng sản tồn kho của các mỏ có giấy phép khai thác nhưng đã hết hiệu lực mà không trái với quy định tại Khoản 3, Điều 58 Luật Khoáng sản.
Sản phẩm khoáng sản không thuộc danh Mục tại Phụ lục 1 Thông tư 41/2012/TT-BCT, nhưng hiện tại trong nước không có nhu cầu tiêu thụ.
Sản phẩm khoáng sản xuất khẩu để đối lưu nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho nhu cầu sản xuất trong nước.
Khoáng sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước nhưng không tiêu thụ hết. Đối với các trường hợp nêu trên phải được UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác, chế biến kiểm tra thực tế và có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét, giải quyết.
Xem chi tiết tại Thông tư 12/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/8/2016.
- Thanh Lâm -
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |