Các quy định giúp người lao động "sống sót" trong lúc thử việc

Các quy định giúp người lao động "sống sót" trong lúc thử việc
Nguyễn Trinh

Theo pháp luật về lao động thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Tức pháp luật không bắt buộc phải thử việc, nhưng nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên phải tuân thủ một số quy định cụ thể.

 

1. Không bắt buộc phải có hợp đồng thử việc

Pháp luật lao động quy định nếu NSDLĐ và NLĐ đã thỏa thuận về vấn đề thử việc thì 2 bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung hợp đồng thử việc được quy định tại Điều 23 và Khoản 1 Điều 26 Bộ luật lao động 2012. Đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời vụ thì không phải thử việc.

Nếu NSDLĐ vi phạm quy định này, yêu cầu thử việc đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP; Khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

2. Một công việc chỉ được thử việc một lần

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động 2012 thì thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện:

  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

  • Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Vi phạm quy định nêu trên bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

3. Lương thử việc bằng 85% lương chính thức

Căn cứ Điều 28 Bộ luật lao động 2012, tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức. Điều luật này cho phép NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận trả luôn 100% lương ngay trong thời gian thử việc. Nhưng nếu NSDLĐ trả lương cho NLĐ trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Nội dung này quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

4. Bắt buộc thông báo kết quả thử việc cho người lao động

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ kết quả công việc NLĐ đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải giao kết ngay HĐLĐ với NLĐ.

Mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu NSDLĐ không thông báo kết quả thử việc cho NLĐ theo Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

 5. Ký hợp đồng chính thức ngay sau khi hết thời gian thử việc

Khi thời gian thử việc kết thúc, NSDLĐ cần phải xem xét kết quả thử việc của NLĐ có đạt yêu cầu hay không? Nếu đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ. Trường hợp đã hết thời gian thử việc, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà NSDLĐ im lặng, không thông báo về kết quả làm việc cũng như không ký kết HĐLĐ chính thức thì hợp đồng thử việc đó trở thành HĐLĐ chính thức. Và lúc này, lương thực nhận của NLĐ sẽ là 100%.

Bên cạnh đó, NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP nếu kết thúc thời gian thử việc, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà NSDLĐ không giao kết HĐLĐ với NLĐ.

6. Lao động thử việc nghỉ việc không cần báo trước

Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật lao động 2012 thì trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Như vậy, NLĐ hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thử việc và không cần báo trước cũng như bồi thường. Trong trường hợp này, NLĐ vẫn được hưởng lương những ngày đã làm việc. NSDLĐ phải có trách nhiệm chi trả và thanh toán tiền lương cho NLĐ dù đó là hợp đồng thử việc.

7. Nghĩa vụ đóng BHXH đối với người lao động thử việc

Theo quy định tại Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH; Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 thì thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH.

Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012, mặc dù không phải tham gia BHXH cho NLĐ thử việc nhưng NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho NLĐ một khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng BHXH bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của NSDLĐ bên cạnh việc trả lương theo công việc.

8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với thời gian thử việc

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì thời gian thử việc cũng được tính là thời gian làm việc thực tế của NLĐ tại doanh nghiệp để tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật lao động 2012.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1828 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;