Dưới đây là các nghĩa vụ mà hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế từ 06/02/2025.
Các nghĩa vụ mà hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế từ 06/02/2025 (Hình từ internet)
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 quy định về đăng ký thuế.
Các nghĩa vụ phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh được quy định tại Điều 30 Thông tư 86/2024/TT-BTC như sau:
- Đối với hộ kinh doanh đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC phải hoàn thành các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động kinh doanh trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế do chấm dứt hoạt động kinh doanh như sau:
+ Hoàn thành nghĩa vụ về hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn nếu có sử dụng hóa đơn.
+ Hoàn thành nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 43, 44, 47, 60, 67, 68, 70, 71 Luật Quản lý thuế 2019 với cơ quan quản lý thuế (đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai).
+ Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 60, 67, 69, 70, 71 Luật Quản lý thuế 2019 với cơ quan quản lý thuế (đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế).
- Đối với hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì hộ kinh doanh phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc có văn bản gửi cơ quan thuế cam kết doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đối với cá nhân quy định tại điểm k, l, n khoản 2 Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền nộp thừa theo quy định tại Điều 60, 67, 69, 70, 71 Luật Quản lý thuế 2019 với cơ quan quản lý thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Mã số thuế của hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị chấm dứt hiệu lực khi chấm dứt hoạt động kinh doanh thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh, đại diện hộ gia đình, mã số thuế của cá nhân không bị chấm dứt hiệu lực và tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó.
Nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định như sau:
- Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực;
- Mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 Luật Quản lý thuế 2019;
- Mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó;
- Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay;
- Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
(Khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |