Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024, cụ thể các hoạt động chủ yếu trong truyền thông y tế năm 2024 tại các địa phương là gì?
Bộ Y tế ban hành Quyết định 128/QĐ-BYT ngày 17/01/2024 về Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024.
Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2024 (Hình từ internet)
Theo Quyết định 128/QĐ-BYT, Các hoạt động chủ yếu trong truyền thông y tế năm 2024 tại các địa phương bao gồm:
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế trên địa bàn.
1. Tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức truyền thông thực hiện Luật, Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, Đề án và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương về công tác y tế; lồng ghép truyền thông các mục tiêu chăm sóc sức khỏe với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 của địa phương, truyền thông kết quả đạt được trong lĩnh vực y tế thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
2. Truyền thông vận động, chủ động cung cấp thông tin về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực thi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương. Tăng cường truyền thông chính sách thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ tại đơn vị, địa phương. Đầu tư nguồn lực, vật lực, nhân lực thực hiện truyền thông chính sách về các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách lĩnh vực y tế ban hành năm 2023.
3. Tăng cường vận hành và hoạt động mạng lưới truyền thông y tế từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: đơn vị đầu mối (Văn phòng Bộ - Bộ Y tế) nắm bắt, chia sẻ, trao đổi thông tin với các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố, các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở.
Phân công nhiệm vụ, cán bộ của Sở Y tế, các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở chịu trách nhiệm xây dựng thông tin, sự kiện y tế nổi bật về hoạt động của ngành y tế địa phương và từng đơn vị, định kỳ và khi có sự kiện, chủ động cung cấp thông tin về Bộ Y tế (thông qua Phòng Truyền thông y tế, Văn phòng Bộ) để tổng hợp và chuyển tải kịp thời đến các cơ quan báo chí.
4. Đổi mới nội dung và phương thức truyền thông y tế bảo đảm tính kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả:
- Xây dựng các sản phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe: các tài liệu truyền thông truyền thống, truyền thông số (infographic, audio clip, video clip,...); sử dụng và chia sẻ các tài liệu truyền thông được cập nhật trên Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông của Bộ Y tế; cung cấp cho các đơn vị thuộc Sở. Truy cập Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://drive.google.com/drive/folders/1tj0Io6vX_cT1q0bj-Or-SomEevP3830G?usp=sharing
- Sử dụng đa dạng các loại hình truyền thông giáo dục sức khỏe: truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các loại hình truyền thông số, truyền thông mới trên nền tảng Internet. Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo, Viber, Lotus...). Tăng cường kết nối truyền thông trên mạng xã hội của Bộ Y tế (Fanpage Sức khỏe Việt Nam, ZaIo Bộ Y tế, Youtube Bộ Y tế, TikTok Bộ Y tế, Lotus Bộ Y tế...) với các trang mạng xã hội của các đơn vị tại địa phương.
5. Phối hợp các cơ quan báo chí địa phương truyền thông về công tác y tế
- Truyền thông các chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phối hợp phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để người dân hiểu, ủng hộ, chia sẻ và tham gia công tác chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
- Chủ động cung cấp thông tin về hoạt động công tác y tế định kỳ và đột xuất như: họp báo, gặp mặt báo chí, hội nghị, tọa đàm, tập huấn phóng viên báo chí, mời phóng viên tham gia hoạt động y tế trên địa bàn...
- Hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa ngành y tế với các cơ quan báo chí địa phương; phối hợp thực hiện các chương trình truyền hình, phát thanh, chuyên trang, chuyên mục, tin bài... truyền thông chính sách và công tác chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
6. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn đơn vị y tế, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị từ tỉnh/thành phố đến cơ sở thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2024 và các sự kiện, phong trào, Lễ phát động, ngày kỷ niệm (Chi tiết tại Phụ lục 3) bằng nhiều hình thức: lễ phát động, mít tinh, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cổ động, băng rôn, khẩu hiệu truyền thông...
- Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động truyền thông phù hợp tình hình thực tế địa phương: hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn trực tiếp tại gia đình và cộng đồng thông qua cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên, cán bộ của các ngành, đoàn thể...
- Xây dựng và cung cấp đến các nhóm đối tượng đích các sản phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe: các tài liệu truyền thông truyền thống, truyền thông số (infographic, audio clip, video clip,...), thông điệp, chương trình phát thanh, truyền hình, phóng sự, bản tin, chuyên trang, chuyên mục... theo hướng dẫn của Trung ương (truy cập và sử dụng tài liệu truyền thông mẫu tại Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông của Bộ Y tế) và cập nhật, bổ sung phù hợp đặc điểm cụ thể của địa phương. Biên tập tài liệu truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để truyền thông cho người dân tộc ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
- Thực hiện các hoạt động truyền thông của các chương trình, đề án, dự án về chăm sóc sức khỏe của Trung ương đang triển khai trên địa bàn thuộc các lĩnh vực: khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống tác hại của thuốc lá...
- Triển khai các mô hình truyền thông trong các cơ sở y tế của địa phương để tư vấn về chính sách, pháp luật công tác y tế, cung cấp thông tin về dịch vụ khám, chữa bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
7. Nâng cao năng lực truyền thông y tế tại địa phương.
- Kiện toàn chức năng và đơn vị/bộ phận thực hiện công tác truyền thông y tế tại địa phương, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về truyền thông y tế tại địa phương theo quy định tại Thông tư 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế.
- Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin y tế của đơn vị; Rà soát, hoàn thiện phân công Người phát ngôn, đơn vị/bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở theo quy định hiện hành.
- Phân công cán bộ tham gia đầy đủ hội nghị, hội thảo, tập huấn của Trung ương về truyền thông y tế; tập huấn truyền thông nguy cơ sức khỏe theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế (Văn phòng Bộ).
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông y tế tại địa phương: Tập huấn truyền thông, cung cấp thông tin và kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ, ứng dụng xu hướng truyền thông số, truyền thông mới trong y tế cho người phát ngôn và lãnh đạo đơn vị, cán bộ phụ trách truyền thông tại Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc, chú trọng cán bộ truyền thông trong các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở y tế dự phòng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động truyền thông y tế tại các đơn vị trực thuộc và tuyến cơ sở.
8. Thực hiện theo dõi và xử lý thông tin liên quan đến hoạt động công tác y tế, phát hiện sớm và xử lý thông tin kịp thời khi xảy ra sự cố, vấn đề nóng trong công tác chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo với Bộ Y tế (thông qua Văn phòng Bộ) để phối hợp xử lý.
9. Truyền thông về thành tựu công tác y tế địa phương và xuất bản, giáo dục truyền thống lịch sử ngành y tế.
- Truyền thông những kết quả, thành tựu nổi bật trong công tác y tế, các hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các lĩnh vực quản lý của ngành y tế (Chi tiết tại Phụ lục 2)
- Truyền thông về phát động và triển khai phong trào thi đua yêu nước học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện các hoạt động giáo dục y đức, y nghiệp, truyền thống lịch sử ngành y tế cho cán bộ y tế và sinh viên các trường y, dược trên địa bàn.
- Tổ chức các hoạt động xuất bản phẩm, triển lãm y tế của đơn vị theo quy định của pháp luật.
10. Tăng cường đầu tư cho công tác truyền thông y tế tại địa phương
- Xây dựng cơ chế, lồng ghép hoạt động truyền thông y tế với hoạt động truyền thông thường xuyên, các chương trình, dự án, đề án lĩnh vực y tế, hợp tác quốc tế, các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác truyền thông y tế, bảo đảm cấp đủ kinh phí hoạt động truyền thông y tế do Trung ương, các chương trình mục tiêu, dự án, đề án cấp về; bổ sung kinh phí địa phương, huy động các nguồn hỗ trợ hợp pháp; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống truyền thông y tế trên địa bàn; xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ, phụ cấp cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác truyền thông y tế phù hợp điều kiện địa phương.
11. Tổ chức giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động truyền thông y tế, định kỳ báo cáo chính quyền các cấp và Bộ Y tế theo quy định. Tổ chức giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương, đơn vị làm tốt công tác truyền thông y tế.
Xem thêm nội dung tại Quyết định 128/QĐ-BYT nam 2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |